Tóm tắt & Review sách Quảng Cáo Không Nói Láo – Hồ Công Hoài Phương

0
226

Tóm tắt & Review sách Quảng Cáo Không Nói LáoHồ Công Hoài Phương

1. Giới thiệu tác giả

Tác giả Hồ Công Hoài Phương là một trong những chuyên gia có sức ảnh hưởng lớn đến ngành Truyền thông hiện tại. Ông có hơn 13 năm kinh nghiệm trong thế giới Agency về quảng cáo tại Việt Nam. Ông là tác giả của cuốn sách được giới chuyên môn đánh giá cao “Quảng cáo không nói láo”, đồng thời là huấn luyện viên chuyên về lĩnh vực Truyền thông – Quảng cáo.

Hiện tại ông đang là General Manager của Pencil Group (bao gồm 4 công ty thành viên: Pencil Consulting, DigiPencil MVV, Pencil Ventures, Pencil IMC..). Trước đó ông là Group Planning Director tại Dentsu. Các khách hàng chủ chốt ông từng hợp tác như: Asus, Honda, BeU with Honda, Mitsubishi, Vinamilk, Vietnamobile, Kinh Đô, Gấu Đỏ, Romano, Abbott, Vfresh, Sapporo…

2. Giới thiệu tác phẩm

“Quảng cáo nói láo ăn tiền”, đấy là quan điểm của khá nhiều người khi mỗi ngày đập vào mắt họ là hàng chục hàng trăm quảng cáo về những sản phẩm kém chất lượng. Mua về thì tiền mất tật mang nhưng vẫn được quảng cáo ầm ầm.

Cuốn sách Quảng cáo không nói láo của Hồ Công Hoài Phương sẽ cho bạn những cái nhìn về quảng cáo thật sự, sách viết về quảng cáo dưới góc nhìn khoa học, để chúng ta hiểu rằng “quảng cáo không hề nói láo”

3. Tóm tắt nội dung sách Quảng Cáo Không Nói Láo

Cuốn sách có 10 chương, mỗi chương đều được nói rất kĩ, đưa ra nhiều case study để làm ví dụ. Trong số những case study tác giả đưa ra, có những cái sẽ rất kinh điển với người đọc, nhưng tác giả cũng sẽ đưa ra rất nhiều case study hay và mới mẻ. Khi đọc “Quảng cáo không nói láo”, người đọc sẽ được chia sẻ từ góc nhìn của tác giả với vai trò là người làm trong ngành quảng cáo rất toàn diện, cân nhắc từ phía của người tạo ra quảng cáo cũng như của những người bình thường khi xem các quảng cáo đó.

Có 3 lý do tại sao mọi người lại hay tin rằng “quảng cáo nói láo”:

(1) Ngoài kia đang có nhiều quảng cáo thực sự đang… nói láo. Vì họ đang làm quảng cáo một cách cảm tính, thiếu khoa học và thiếu kiến thức. Vậy mới thấy, để nói thật không hề dễ.

(2) Nhiều người đang nhìn quảng cáo dưới góc nhìn quá nghiêm túc (thậm chí nghiêm trọng). Quảng cáo giống Bác Ba Phi vậy, có nói quá lên một chút nhưng vẫn là sự thật, vẫn để nhắc lại những kỷ niệm đẹp để mọi người nhớ mình đã từng tin và dùng sản phẩm ra sao. Nếu quảng cáo chỉ nói về sản phẩm thì chẳng khác gì… phim tài liệu.

(3) Cuối cùng, có thể bạn đang không thấu “nỗi lòng” mà quảng cáo cố nhắm tới

Quảng cáo chính là phản ánh “nỗi lòng” của người tiêu dùng, bởi các công ty quảng cáo dành rất nhiều tâm sức và tiền bạc để thấu hiểu người tiêu dùng. Vậy nên những điều bạn thấy trên quảng cáo, có thể lạ với bạn, có thể bạn chưa nghe bao giờ, nhưng chắc chắn nó đang nói hộ “nỗi lòng” của một bộ phận người tiêu dùng không nhỏ (mà có thể bạn không phải mục tiêu).

Quyển sách giống như một thế giới quảng cáo thu nhỏ: có lý thuyết & thực nghiệm khoa học, có chiến lược sắc sảo, ý tưởng sáng tạo bay bổng và cũng có cả những câu chuyện bâng quơ về nghề, về người.

Quảng cáo: xa mặt cách lòng

Thật vậy, làm quảng cáo cũng chẳng khác mấy câu chuyện tình yêu. Bởi, thương hiệu càng quảng cáo nhiều thì càng ít bị lãng quên. Bắt đầu với câu chuyện về những quảng cáo Omo lặp đi lặp lại trên truyền hình, tác giả giúp chúng ta hiểu được rằng quảng cáo phải xuất hiện thường xuyên, liên tục để duy trì hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng.

Tuy vậy, các sản phẩm ngày càng trở nên giống nhau bởi hiếm khi tìm ra sản phẩm nào có USP thực sự nổi bật. Chính vì vậy, thay vì quá chú trọng vào việc quảng cáo sàn sàn như nhau, thương hiệu có thể phát triển cảm xúc độc đáo (ESP) của riêng mình.

Thương hiệu: tiếp cận bao nhiêu cho vừa

Người ta cho rằng cốt lõi của xây dựng thương hiệu là xây dựng tình yêu và sự trung thành của khán giả với thương hiệu. Nhưng với tác giả Hoài Phương thì khác, anh cho rằng mục tiêu tối cao của việc xây dựng thương hiệu không phải tìm kiếm sự trung thành mà là tiếp cận tới càng nhiều khách hàng càng tốt.

Sách Quảng cáo không nói láo cho rằng mối quan hệ giữa người tiêu dùng và thương hiệu không phải tình yêu mà là giao dịch kinh tế. Vậy nên, càng được nhiều người nhó tới thì thương hiệu càng được phủ sóng rộng khắp, tạo tiền đề cho các giao dịch diễn ra.

Chiến lược: tìm điểm tựa vượt qua thách thức

Tác giả Hồ Công Hoài Phương trình bày quan điểm “Chiến lược là xác định được thách thức mà chúng ta muốn vượt qua, từ đó tìm một điểm tựa để vượt qua nó”.

Như vậy thì chiến lược chẳng có đúng sai, tốt xấu. Chúng ta chỉ đánh giá được chiến lược thông qua những thách thức mà mình đặt ra. Những thách thức đó quay xung quanh bản thân thương thiệu, sản phẩm, văn hóa, đối thủ hay hành vi khách hàng.

Ở phần này, sách Quảng cáo không nói láo cũng trình bày quy trình hoạch định chiến lược 4I (Intention, Issue, Insight và Idea) để người đọc tham khảo.

Ý tưởng: Mấu chốt của quảng cáo sáng tạo

Người dùng không ưa quảng cáo. Một, vì họ không tin quảng cáo. Hai, vì họ không muốn mình bị quảng cáo dắt mũi. Vậy thì làm sao để lên những ý tưởng quảng cáo khiến cho người tiêu dùng biết đó là quảng cáo nhưng vẫn muốn xem?

Đâu là những tiêu chí đánh giá một quảng cáo hay? Theo Quảng cáo không nói láo, chúng ta có thể dùng nguyên tắc BARRIER để chấm điểm quảng cáo của mình, dựa trên các tiêu chí: quảng cáo phù hợp với thương hiệu, giải quyết được vấn đề, có vai trò sản phẩm, thân thuộc với người tiêu dùng, có góc nhìn mới mẻ thú vị, mang tính giải trí và phù hợp các kênh truyền thông.

Và bí kíp quan trọng nhất: điểm đến cuối cùng của quảng cáo chính là hạnh phúc

Nếu một lúc nào đó tất cả những kiến thức hay công thức khiến bạn mệt mỏi, tác giả còn bí kíp cuối cùng: chính là hạnh phúc – thông điệp đích đến của mọi thể loại quảng cáo trên đời.

Trong cuốn sách có kể lại một nghiên cứu ròng rã 75 năm trên 724 người của đại học Harvard đã rút ra kết luận: bí mật của hạnh phúc là hãy có một mối quan hệ tốt đẹp.

Theo Robert Waldinger, có ba điều tạo nên hạnh phúc: đó là hãy có những mối quan hệ thân thiết (gia đình, bạn bè), chất lượng của các mối quan hệ thân thiết này, và một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Bill Gate cũng từng nói rằng: quyết định thông minh nhất của ông không phải là tạo ra những phần mềm, mà đó là chọn được người phụ nữ phù hợp để kết hôn. Người phụ nữ quyết định hạnh phúc của thế hệ trước, vui vẻ của thế hệ này và tương lai của thế hệ sau.

Khi đó, bản chất của việc tiêu dùng sản phẩm không chỉ để dành cho mình, mà còn để dành cho những người thân yêu. Từ hộp sữa đậu nành đến chai dầu ăn cũng khiến người ta nhớ về ngôi nhà, chai bia kết nối bạn bè, rượu ngon tâm tình với tri kỷ, quán cà phê là nơi ta kết nối xã hội, đi du lịch chẳng mấy ai đi một mình. Được gặp gỡ, được sống trong những mối quan hệ hạnh phúc, sống có bạn bè và gia đình là điều hạnh phúc.

Và những người làm tiếp thị quảng cáo là những người hiểu về hạnh phúc, là những người sống, cảm nhận, tạo ra và chứng kiến nhiều hạnh phúc nhất.

“Tôi tin rằng, quảng cáo không nói láo, quảng cáo chỉ góp nhặt những hạnh phúc đời thường, và kể lại cho bạn nghe mà thôi”, tác giả kết luận.

4. Đánh giá sách Quảng Cáo Không Nói Láo

Nhẹ nhàng mà thực tế, lãng mạn theo cách khoa học, tác giả đã đưa người đọc thực sự được vén bức màn phía sau sân khấu. Người đọc khám phá ra những lúc chẳng như mơ, những “hao não, tổn tâm” để có được bài quảng cáo hay, những video rung động con tim triệu người, những slogan đắt giá, hay chỉ đơn giản là vài dòng post ngàn like. Và những ai trong nghề, sắp vào nghề sẽ chuẩn bị tâm lý trước: sẽ có đôi lúc muốn buông rơi đam mê vì cái nghề sao “hao não”, sao mệt mỏi.

Đó cũng là lý do cuốn sách có thể là “cẩm nang mang theo” để hành trình dấn thân vào nghề của bạn “bớt gian nan” nhờ: Kiến thức dắt lưng, Tâm sự dắt đường.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Quảng cáo không nói láo

Tóm tắt & Review sách Quảng Cáo Không Nói Láo – Hồ Công Hoài Phương

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]
Cảm nghĩ của bạn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây