Tóm tắt & Review sách Nỗi Buồn Chiến Tranh – Bảo Ninh
Mục lục
1. Giới thiệu tác giả
Tác giả Bảo Ninh tên thật là Hoàng Âu Phương, sinh vào tháng 10 năm 1952. Ông quê ở xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh thuộc tỉnh Quảng Bình. Ông sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống giáo dục, cha của ông là Giáo sư Hoàng Tuệ, nguyên viện trưởng Viện ngôn ngữ học và cũng là người đã đặt nền móng xây dựng và phát triển ngành ngôn ngữ học Việt Nam trong các trường đại học ngay khi hòa bình lập lại.
Bảo Ninh gia nhập quân đội từ khi mới mười bảy tuổi, nhà văn công tác và chiến đấu ở mặt trận B-3 Tây Nguyên, tại tiểu đoàn 5, trung đoàn 24 thuộc sư đoàn 10. Năm 1975, ông xuất ngũ và quay về Hà Nội học đại học, sau khi tốt nghiệp, Bảo Ninh công tác tại Viện Khoa học Việt Nam.
Ông bắt đầu con đường sáng tác của mình ở tuổi 32, ông học tại trường viết văn Nguyễn Du trong vòng hai năm, sau đó làm việc tại báo Văn nghệ Trẻ và trở thành thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam kể từ năm 1997.
2. Giới thiệu tác phẩm
Nỗi Buồn Chiến Tranh là một trong những cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh hay nhất của tác giả Bảo Ninh. Mạch truyện không theo một trình tự thời gian, không gian nhất định nào cả. “Trang nào cũng hầu như là trang đầu, trang nào cũng có vẻ là trang cuối”. Tất cả được ghi chép dựa trên hồi tưởng ngẫu nhiên, đan xen lúc quá khứ, lúc hiện tại của nhân vật Kiên. Tuy chiến tranh đã kết thúc, hòa bình được lặp lại nhưng những đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra, những tàn tích do chiến tranh để lại vẫn còn hiện hữu, tiếp tục ám ảnh tâm trí và hủy diệt thể xác con người.
3. Tóm tắt nội dung sách Nỗi Buồn Chiến Tranh
Truyện không có bối cảnh cụ thể. Lúc thì ở chiến trường đạn bom khói lửa, lúc là Hà Nội êm đềm. Nhân vật chính của truyện là Kiên, một người lính thuộc cánh quân trinh sát. Kiên xuất thân từ một gia đình tri thức bình thường tại Hà Nội. Bố là họa sĩ, mẹ là Đảng viên. Vì xem bố Kiên như một kẻ lập dị, bà bỏ hai cha con khi Kiên còn nhỏ và tái hôn với người đàn ông khác, một nhà thơ đã về hưu. Mười bảy tuổi, giống như những thanh niên ngày ấy vì lí tưởng cao cả của dân tộc Kiên bỏ lại ước mơ vào đại học, tạm gác lại chuyện yêu đương, xung phong đi bộ đội, hăng say chiến đấu. Mười năm ở chiến trường khốc liệt, giành cả tuổi xuân tham gia chiến trận. Lúc hăng hái, lúc mệt mỏi, chán chường. Chiến tranh kết thúc, Kiên may mắn sống sót trở về. Thế nhưng mười năm chiến trận dài đằng đẵng, mười năm thời bình đã qua, khi đã vào tuổi tứ tuần, anh cũng không bao giờ thoát khỏi nỗi cơ đơn, tuyệt vọng, một nỗi buồn day dứt mà theo anh đó là nỗi buồn truyền kiếp của cha để lại.
Mưa – Điều đã dẫn Kiên trở lại với chiến trường, đồng đội, về với cuộc sống đã ngủ sâu, kết thúc trong chiến tranh.
Mở đầu tác phẩm là cơn mưa trong rừng sâu thuộc miền Cánh Bắc, nơi mà Kiên chằng xa lạ gì. Mưa mang đến những nỗi buồn, mưa mang đến ký ức, mưa đem Kiên trở lại những trầm tích nằm sâu dưới lớp đất sâu.
Đêm đó là đêm mưa nặng hạt, Kiên mắc võng nằm ngủ trên thùng một chiếc xe đi thu lượm hài cốt đồng đội cùng một người tài xế. Đây là điểm khởi nguồn của quá khứ được tái hiện, khởi nguồn của hiện tại bắt đầu trong quá khứ, của mọi ngõ ngách phức tạp trong tâm hồn Kiên. Cảnh tượng mắc võng nằm ngủ cạnh xác chết, trùm áo mưa – một sự giao tiếp ban đầu, mơ hồ với những điều đã nằm yên ngủ sâu.
Mưa mang trong mình từng hạt máu, từng linh hồn, từng tiếng gọi của đồng đội đã nằm lại nơi đây. Mưa vờn trên tán cây, mưa nhỏ xuống ca bin, nhỏ xuống những bọc hài cốt bên cạnh Kiên. Trong cơn mưa đó, lần đầu tiên trong tác phẩm Kiên đã quay lại với chiến trường xưa, quay trở lại trận đánh đẫm máu, tàn ác đã xóa sạch tiểu đoàn của Kiên. Một trận đánh mà toàn bộ phiên hiệu và những người tham chiến đều bị lãng quên rồi bỗng chốc sống dậy thật sinh động trong giấc mơ của Kiên đêm nay.
Đó là cảnh tượng tiểu đoàn của Kiên tháo chạy trên sườn dốc, quá nửa tiểu đoàn tan tác đã nằm gục xuống Truông Gọi Hồn. Những thân thể còn sống, rách rưới, nát tươm đang lê lết, tháo chạy trong làn đạn kẻ thù. Tiểu đoàn trưởng dí sát khẩu súng ngắn vào đầu mình, đúng giây phút hình dạng con người rời bỏ đồng chí tiểu đoàn trưởng đó, Kiên cũng trúng đạn kẻ thù và lăn mình xuống suối. Kiên ngất đi rồi tỉnh lại, tỉnh lại rồi lịm đi, vết thương nhỏ máu, quyện với mồ hôi, nhớp nháp. Thần chết vờn quanh, trực sẵn để gọi Kiên theo rồi lại buông tha. Từ đó chẳng ai nhắc đến tiểu đoàn 27 của Kiên nữa mặc dù vô số hồn ma ra đời sau trận Truông Gọi Hồn đó, vẫn lảng vảng quanh bờ suối chưa chịu về chầu trời. Từng ký ức trong quá khứ hiện lại trong một giấc mơ dưới cơn mưa rừng nặng hạt.
Từng hình hài, từng hình dáng thân thương, có tên gọi bị làn đạn kẻ thù xé toạch, bẻ nát, làm biến dạng. Trận đánh kéo dài một thời gian, có người máu còn nóng hổi, có người thì hình dạng chỉ còn đọng lại thành chút bùn lỏng. Sau trận đánh là mưa, mưa xối xả, mưa vội vã như muốn xóa bỏ toàn bộ dất vết còn sót lại của trận đánh. Cơn mưa từ quá khứ được cảm nhận sâu sắc trong hiện thực, cơn mưa thấm vào tâm tưởng của Kiên, rửa sạch tâm tưởng để nhường chỗ cho sự đau thương len lỏi.
Tại nơi Kiên nằm ngủ đêm nay dưới cơn mưa rừng – Truông Gọi Hồn – Đúng như tên gọi của địa danh này, dường như sau một thời gian sau chiến tranh, cây cỏ vẫn chưa hoàn hồn để mọc lại trên nơi đây. Trong tiếng ú ớ mê sảng giữa cái nhập nhoạng sáng, anh lái xe gọi Kiên dậy và được chứng kiến trận đánh vừa rồi trong sự thổn thức. Rằng ở đây thương tâm lắm, nhìn thì vắng vẻ thế kia thôi chứ dưới đất thì chật ních người nằm rồi. Quân ta có, quân Mỹ có, quân Ngụy có, thi thoảng trong những đêm ngủ rừng, Kiên và anh lái xe vẫn bắt gặp những người dưới âm đó. Dưới đất kia chắc chưa biết rằng hòa bình lặp lại trên mặt đất, nhưng chắc dưới đó âm hồn cũng không còn đánh nhau nữa rồi.
Những đêm đi thu lượm hài cốt trên chiến trường xưa là mỗi đêm Kiên gặp lại đồng đội, gặp lại sự sống, gặp lại chính mình năm xưa. Cũng ngay trong đêm đó, Kiên gặp lại tiểu đội của mình còn nguyên vẹn, lành lặn. Những người rồi Kiên phải tận mắt chứng kiến thần chết gọi tên từng người, mang họ rời xa, lấy đi hình hài con người của họ. Những ký ức đầu tiên về tiểu đội, đẹp đẽ và thơ mộng, liền mạch và thương đau. Sự thảng thốt, mờ ảo, mơ hồ về cảnh tượng, về mùi hương, về đồng đội và cũng trong chính mùa mưa năm đó – mùa mưa đã kết thúc từ lâu nhưng còn đọng mãi trong tâm hồn Kiên.
Những cảnh tượng tại một con thác nằm sâu trong núi, nơi những Thịnh con, Thịnh lớn và chính Kiên đã chứng kiến cái đẹp bị giết hại, thương đau và tiếc nuối. Ba cô gái trong đội giao liên – Ba đồng đội của Kiên trong một thời gian đã nảy sinh tình cảm giữa thời chiến, giữa núi rừng hoang vu và cô quạnh. Rồi một toán thám báo ra tay sát hại ba người con gái nọ, cùng với đó là Thịnh con hy sinh trong khi giao chiến với toán thám báo. Đó là sự căm hận tột đỉnh, sự tiếc nuối xót xa, sự đấu tranh tận cùng trong việc có kết liễu toán thám báo hay không và rồi cuối cùng Kiên quyết định giao chúng cho cấp trên. Những mộ huyệt, những mồ chôn nơi đồng đội nằm lại, nơi cuộc sống nằm lại nhưng đâu đó, những mộ huyệt đó chôn chặt trong trính tâm trí Kiên.
Đến khi tiểu đội của Kiên chạm trán một điều kinh dị, có tính quả báo, thì từ đó những người tham gia vào sự kiện đó – một cách đau đớn và tàn bạo, rời bỏ những đồng đội trong trạng thái không chút lành lặn. Đó là việc tiểu đội của Kiên giết một người phụ nữ trong hình hài một con vượn trắng hếu, lông bạc phếch, lở loét sần sùi. Mặc dù đã cúng bái, chôn cất người phụ nữ đó đàng hoàng nhưng sự báo oán oan nghiệt là không tránh khỏi.
Cái chết tiếp theo mà Kiên chứng kiến, không bị hủy hoại bởi bom đạn hay kẻ thù, nhưng chính rừng thiêng nước độc đã nuốt trọn sự sống trong con người đó – một người đào ngũ là Can. Cái chết của Can, nhẹ nhàng nhưng nhục nhã, yên ả nhưng ám ảnh. Hốc mắt bị quạ, cá rỉa hết, trống hốc, mọc rêu xanh lè, da dẻ chốc hết, mục rữa bên bờ con suối. Một cái chết mà về sau cũng chẳng được ai nhắc đến, chẳng ai tưởng nhớ, một kiếp người nằm sâu dưới đất nhưng bị vùi lấp bởi sự ghẻ lạnh, khinh bỉ, coi thường. Và Can chết trong cơn mưa rừng ngày đó, lạnh lẽo và âm u.
Mùa mưa cũng chứng kiến chính Kiên nhiều lần tước đoạt, lấy đi mạng sống kẻ thù, những cách kết liễu đầy man rợ, đầy thương đau với chính Kiên. Để rồi đến khi cuộc sống mãi về sau, Kiên vẫn kiếm tìm lại những cái chết do mình gây ra, tìm kiếm sự an ủi, tha thứ bởi quá khứ. Đó là hình tượng một tay lính Mỹ bị thấu dao lòi ruột, rồi được úp lên thứ bầy nhầy đó một cái bát tạm bợ, sưt mẻ. Trong giây phút Kiên đi tìm đồ sơ cứu, người lính Mỹ kia có lẽ đã chết ngạt trong một hố bom đầy ắp nước mưa. Tâm trí Kiên giây phút đó cũng ngập nước và sự ân hận với người Lính kia, trong ánh mắt khẩn thiết van xin và hy vọng của anh lính Mỹ, rằng mình có cơ hội sống sót và ra khỏi mảnh đất này.
Hay như cách Kiên hình dung lại hình ảnh mình cầm cây AK xả cả một băng đạn vào tên lính Mỹ đang hoảng hồn, ú ớ. Hoặc như cách Kiên xả cả băng đạn vào một nữ cảnh sát Mỹ tại Tân Sơn Nhất trước ngày thống nhất, tiếng đạn AK ghim xuyến nền đá như đóng đinh vào tâm trí Kiên từ ngày đó.
Một nỗi ám ảnh mang tên tình yêu
Tồn tại trong Nỗi buồn chiến tranh là một nỗi buồn mang tên tình yêu. Nhắc đến tình yêu người ta nghĩ ngay đến những điều hạnh phúc. Thế nhưng tình yêu trong Nỗi buồn chiến tranh lại chỉ mang đến hai chữ thương tâm. Những con người trẻ tuổi ấy, ở độ tuổi khát khao tình yêu ấy, lại phải tham gia vào chiến trường máu lửa. Ngay cả Kiên cũng đau lòng về mối tình chung đụng của các đồng đội và ba cô gái Hơ bia, Mây và Thơm. Dẫu phi lí, tội lỗi nhưng cũng làm người ta đau đớn, xót xa thương. Có lẽ tác giả đã bi kịch hóa các tình tiết để tác phẩm nhuốm một màu buồn chân thực hơn. Nhưng có lẽ, đó là hiện thực. Chiến tranh vẫn tàn khốc như thế. Những con người, những mối tình thời chiến đã chẳng thể có được một cái kết trọn vẹn. Như mối tình của Kiên và Phương, tưởng chừng hạnh phúc nhưng cuối cùng lại hóa khổ đau. Họ là bạn từ thuở bé, lớn lên bên nhau, yêu nhau như một lẽ thường. Nếu như, vẽ một bức tranh mà chiến tranh không tồn tại. Hai người họ sẽ vào đại học. Yêu nhau như bao đôi lứa khác, cưới nhau rồi có một gia đình hạnh phúc. Bức tranh ấy, tất nhiên đã chẳng thể tồn tại. Kiên gác lại ước mơ, vào Nam theo tiếng gọi của tổ quốc. Phương ở lại quê nhà tiếp tục sự nghiệp học hành. Lại nói chuyện nếu như, Phương cứ thế ở Hà Nội học tập, Kiên chiến đấu mười năm trở về. Họ lại có một cái kết có hậu. Thế nhưng, chiến tranh mà. Gặp gỡ, chia li là chuyện thường tình. Một mối cơ duyện nào đó khiến hai người gặp lại tại ga Hàng Cỏ. Bi kịch bắt đầu từ đó. Kiên lờ mở hiểu, độc giả chúng ta hiểu. Chuyện gì đã xảy ra với Phương chuyến tàu vào Vinh, cớ sao Phương lại chọn sống một cuộc đời như thế, lại chọn không thể bên Kiên dù hai người còn yêu nhau thắm thiết. Năm đó, họ hiểu lầm nhau rồi xa nhau biền biệt. Đến khi biết được sự thật thì mọi chuyện cũng chẳng để làm gì.
“Ở đời có những chuyện khi cần biết thì ta không biết không hiểu, khi biết được, hiểu được thì đã chẳng còn để làm gì nữa. Tuy thế thì biết được vẫn hơn là không.”
4. Cảm nhận và đánh giá sách Nỗi Buồn Chiến Tranh
Tác phẩm không nhắc nhiều về chiến tranh, chủ yếu là khắc họa tâm trạng của người lính trong chiến tranh và sau chiến tranh. Chiến tranh kết thúc nhưng những người sống sót trở về từ chiến tranh lại chẳng thể nào nhẹ nhõm và hạnh phúc. Hòa bình lập lại, họ có vui mừng, có hân hoan. Nhưng niềm vui ấy không thể kéo dài vài tiếng đồng hồ. Họ thấy mình lạc lõng, trống trải. Quá quen với cảnh chém giết trong thời chiến, họ lại thấy mình trong thời bình, vô dụng và vô vị. Mưa bom bão đạn đã không giết chết được những con người nhỏ bé ấy. Nhưng vào thời bình, chính những nỗi buồn, nỗi ám ảnh về chiến tranh lại là liều thuốc độc từ từ gặm nhấm thể xác và tâm hồn họ. Chiến tranh để lại những gì? Ngoài những hệ quả về vật chất, nó để lại những nỗi buồn triền miên, dai dẳng trong tâm hồn những người lính may mắn sống sót.
Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha |
Tóm tắt & Review sách Nỗi Buồn Chiến Tranh – Bảo Ninh