Tóm tắt & Review sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn – Phạm Lữ Ân
Mục lục
1. Giới thiệu tác giả
Phạm Lữ Ân không phải là một tác giả mà là bút danh của đôi vợ chồng Phạm Công Luận – Đặng Nguyễn Đông Vy. Ngòi bút của Phạm Lữ Ân chứa đựng sự mộc mạc,chân thành, giản dị nhưng sâu sắc và rất gần gũi với độc giả. Qua các tác phẩm ấy, ta thấy được những chuyện đời thường của chính chúng ta nhưng lại mới mẻ và lôi cuốn, thú vị hơn do được nhìn nhận từ nhiều phía, dưới nhiều góc độ của tác giả. Những tác phẩm tiêu biểu như. Hãy tìm tôi giữa cánh đồng (Đặng Nguyễn Đông Vy), Làm ơn hãy để con yên (Đặng Nguyễn Đông Vy), Chú bé Thất Sơn (Phạm Công Luận), Đường phượng bay (Phạm Công Luận), Những sắc màu Nhật Bản (Phạm Công Luận),…
2. Giới thiệu tác phẩm
Nếu biết trăm năm là hữu hạn được xuất bản lần đầu năm 2011. Đến nay, cuốn sách đã được tái bản hơn 20 lần. Đây là một trong những cuốn sách bán chạy nhất tại Việt Nam, và sức ảnh hưởng của nó vô cùng lớn khi được trích dẫn nhiều trên mạng xã hội và trở thành cảm hứng sáng tác cho nhiều người. Không những thế, cuốn sách còn được trích vào trong các đề thi môn văn, đặc biệt là cấp trung học phổ thông.
Với những câu chuyện xoay quanh tuổi thơ, sự trưởng thành, tình yêu, công việc, gia đình,… cuốn sách như một lời nhắc nhở, lời khuyên dịu dàng và chân thành cho mỗi chúng ta khi phải đối mặt với cuộc sống xô bồ này.
3. Tóm tắt nội dung sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn
“Nhà” – sự bình yên hay nỗi bất hạnh?
“Nhà” là một từ ngắn ngủi nhưng hàm nghĩa của nó lại có thể rất mênh mông. Đối với người này, “nhà” là nỗi buồn trong căn biệt thự vắng người nhưng mỗi khi có lại đầy tiếng cãi vã. Nhưng đối với người khác thì đó là nơi tìm lại sự bình yên và ấm áp, luôn khao khát được trở về. Chắc hẳn ai cũng khao khát rằng “nhà” gắn với sự bình yên, nhưng sự bình yên đó không có sẵn mà phải được thiết lập bởi mỗi cá thể trong căn “nhà” ấy.
Ngôi “nhà” được tạo nên từ cha và mẹ. Cha mẹ là người đã sinh ra và nuôi nấng chúng ta lên người, và quá trình ấy không hề dễ dàng. Những áp lực đã khiến cha mẹ mệt mỏi và cáu gắt, có những nỗi lòng và những dằn vặt không thể nói ra. Tâm lý đó chắc cũng phức tạp không kém lứa tuổi dậy thì, cũng cần phải hiểu và cảm thông.
Chúng ta được sinh ra với giá trị có sẵn
Bản thân mỗi chúng ta là giá trị có sẵn. Nếu bạn muốn có một cơ sở để xây dựng lòng tự tin thì hãy bắt đầu từ đó – TỪ CHÍNH BẢN THÂN MÌNH. Khi bạn thực sự tự tin, bạn cũng sẽ biết tôn trọng người khác. Bởi nếu bạn đã hiểu được giá trị của bản thân, chắc chắn bạn sẽ hiểu được giá trị của mỗi người bạn gặp. Bạn sẽ nhìn thấy sự giống nhau giữa một ca sĩ nổi tiếng và một người quét rác vô danh, giữa một doanh nhân xuất khẩu hàng nghìn tấn thủy sản và một bà cụ bán cá tươi trong chợ. Bạn sẽ trân trọng những người đó như nhau.
Một tiếng “ơi” thân thương
Đã bao giờ có ai đó gọi tên bạn “A. ơi”, vừa như ngay bên cạnh vừa như xa xôi lắm. Mơ hồ như là một giấc chiêm bao. Đó là khi mẹ bạn gọi “A ơi, về ăn cơm”, khi người bạn thân rủ “A ơi, đi chơi không?”… Âm thanh đó, đã bao lâu rồi bạn không được nghe?
Có một sự thật đó là chúng ta ngày càng ít nói với nhau hơn, thay vào đó là mỗi người có một chiếc smartphone, chiếc laptop để nhắn tin. Chúng ta hiểu về nhau qua những dòng status trên Facebook, những blog, những dòng tin nhắn, chúng ta biết hết mà không cần nói lên lời. Thế nhưng những điều ấy không thể bằng tiếng con người. Và muốn được hiểu thì phải được lắng nghe. Vì thế, đừng chat, đừng email, đừng post lên Facebook, hãy chạy đến gặp nhau, hay ít nhất, hãy nhấc điện thoại lên, thậm chí chỉ để gọi nhau một tiếng “…ơi” dịu dàng! Một tiếng người thực sự ân cần, yêu thương, quan tâm, gần gũi… Và chắc chắn, không phải là chiêm bao.
Cảm nhận bằng cả trái tim
Ta vẫn thường nghe một người hào phóng phán xét người khác là keo kiệt, người tằn tiện phán xét người khác là phung phí… Chúng ta nghe những điều đó mỗi ngày, đến khi mệt mỏi, đến khi nhận ra rằng chính bản thân mỗi người đôi khi cũng phải phớt lờ những gì mà người khác nói và rút ra một kinh nghiệm là đừng bao giờ để những lời phán xét trở nên dễ dàng.
Cuộc đời mỗi người một khác, và ta không thể bắt ai làm theo ý mình. Con người sinh ra và chết đi nếu không theo ý họ. Thậm chí, chúng ta không được sinh ra với ngoại hình, tính cách, tài năng,… mà mình muốn. Nhưng chúng ta đều có một cơ hội duy nhất để được là chính mình, để làm điều mình muốn. Bạn biết mà, cơ hội đó chính là cuộc đời này – một cái chớp mắt so với những vì sao. Bởi thế, đừng để mình cứ mãi xoay theo những ồn ào khác, hãy lắng nghe lời thì thầm của trái tim.
Nếu biết trăm năm là hữu hạn…
Có nhiều người quan niệm rằng sự hưởng thụ là một việc đáng thất vọng, là điều sai trái hay là con đường đưa đến vấp ngã. Sự hưởng thụ không xấu như vậy, ngược lại, sai lầm của chúng ta nằm ở chỗ ta thường đắm chìm trong ảo giác và ít khi thực sự biết hưởng thụ. Hưởng thụ thật sự là mong muốn giữ gìn, bảo vệ, bồi đắp… kể cả chính mình.
Có người nghĩ rằng cần phải có nhiều tiền mới có thể hưởng thụ thật sự. Nhưng không, có tiền bạn sẽ sở hữu nhiều thứ, nhưng chỉ sở hữu thôi thì không mang lại hạnh phúc và không có nghĩa là biết hưởng thụ. Chúng ta chỉ sở hữu mà cứ ngỡ rằng mình đang được hưởng thụ. Đó là một ảo giác. Hoặc chúng ta đang trải qua điều này mà cứ tưởng mình đang hưởng thụ một điều khác. Đó lại là một ảo giác khác. Nếu bạn thực sự biết hưởng thụ, bạn luôn thấy mình đã sống rất sâu.
4. Cảm nhận và đánh giá sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn
Nếu biết trăm năm là hữu hạn là cuốn sách dành cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là cho những bạn đang còn chênh vênh với cuộc đời, phải loay hoay đi tìm cho mình một lối đi nhưng cũng không kém phần nhiệt huyết cùng những hoài bãn lớn. Cuốn sách sẽ là người bạn đồng hành cùng bạn, giúp bạn vực dậy tinh thần mỗi khi chán nản với những lời khuyên hữu ích nhưng không hề mang lại cảm giác gò bó người đọc vào một khuôn khổ nào.
Với những chủ đề gần gũi, chắc hẳn đâu đó trong đây, ta sẽ vô tình bắt gặp câu chuyện của chính chúng ta. Cuộc sống hiện đại hối hả, kéo theo chúng ta cũng vội vã trong mọi thứ kể cả yêu thương. Cuốn sách đưa người đọc đến nhiều tầng của cung bậc cảm xúc, đến nhiều không gian tưởng chừng ta không thể quay về. Vừa hoài niệm, sâu sắc, vừa giản dị, chân thành, vừa quá khứ, hiện tại. Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn cứ thế cuốn ta đi một cách nhẹ nhàng và đầy sâu lắng…
“Nếu biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu…”
Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha |
Tóm tắt & Review sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn – Phạm Lữ Ân