Một đời thương thuyết viết cho những bạn hiếu kỳ muốn tìm hiểu về thương thuyết. Bạn có thể là sinh viên đang phân vân lựa chọn hướng đi hay là người chủ trì cuộc đàm phán, hi vọng cuốn sách này sẽ là một cuốn sách có thể giúp đỡ bạn. (Review sách một đời thương thuyết)
Mục lục
- 1. Giới thiệu tác giả
- 2. Giới thiệu sách và đối tượng độc giả
- 3. Tóm tắt nội dung Một đời thương thuyết
- Chương 1: Thằng Bờm Và Phú Ông: Hai Tay Cao Thủ
- Chương 2: Trời Phú Hay Học Tập?
- Chương 3: Tâm Lý Chiến
- Chương 4: Chuẩn Bị Cho Một Cuộc Thương Thuyết
- Chương 5: Bản đồ kịch sĩ
- Chương 6: Người Trung Gian
- Chương 7: Ngân Hàng, Chỗ Nương Tựa Kín Đáo
- Chương 8: Luật Pháp Và Luật Sư, Bạn Của Chúng Ta?
- Chương 9: Chủ Quan Và Khách Quan Trong Ngôn Ngữ Thương Thuyết
- Chương 10: Sáp Nhập Và Mua Bán Công Ty
- Chương 11: Giao Thiệp Và Đàm Phán Với Người Nước Ngoài
- Chương 12: Những Nguyên Tắc Của Người Thương Thuyết Và Cuộc Thương Thuyết
- Chương 13: Những Trường Hợp Thương Thảo Thất Bại
- Chương 14: Trong Rừng Sâu Của Thương Thuyết
- Chương 15: Những Bất Ngờ “Ngộ Nghĩnh” Trên Lộ Trình
- Chương 16: Nói Chuyện Về Nghề Nghiệp, Chức Vụ Và Lương Bổng
- Chương 17: Đạo Lý Và Phúc Lành
- 4. Cảm nhận và đánh giá Một đời thương thuyết
1. Giới thiệu tác giả
Giáo sư Phan Văn Trường sinh ngày 27 tháng 07 năm 1946. Nguyên quán: Làng Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Ông là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại Quốc tế. Ông được Tổng thống Pháp đã trao tặng Huy Chương Hiệp Sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh (Chevalier de la Légion d’Honneur) năm 2007.
Năm 2016: cuốn sách “Một Đời Thương Thuyết” của Phan Văn Trường được vinh danh “Sách Hay 2016” trong hạng mục Quản trị. Ông cũng có nhiều đóng góp cho Việt Nam và Pháp (nơi ông học trung học và thành danh).
2. Giới thiệu sách và đối tượng độc giả
Sách này tôi viết ưu tiên cho những bạn nào hiếu kỳ, muốn tìm hiểu về thương thuyết. Bạn có thể là sinh viên đang phân vân trước những lựa chọn về hướng đi nghề nghiệp, hay là người chủ trì một đội sắp vào bàn đàm phán, hay là Chủ tịch hoặc Tổng giám đốc của một công ty được mời gửi đội tới thương thảo. Dưới cách viết như kể chuyện, tôi mong sách dễ đọc cho mọi loại độc giả. Thậm chí sách còn có thể giúp cho bạn nào đang nghiên cứu về tâm lý con người và cách xử sự sao cho khôn khéo, sao cho chóng lấy sự đồng tình đồng tâm từ một nhóm ít nhiều người. Nội dung của sách hướng về thương thuyết đã đành, nhưng chú trọng đến cái tạm gọi là nghệ thuật. Do đó, nhiều khi bạn đọc thấy tôi dùng từ thương thuyết, thương thảo, đàm phán, lấy hợp đồng, hay vào bàn hội nghị… Ý nghĩa bóng của các từ ngữ đó cũng chỉ định một nghĩa mà thôi: việc cố gắng đi tìm sự đồng thuận, sự thỏa hiệp, vẽ ra một mô hình trao đổi và đôi khi là cộng tác lâu dài.
3. Tóm tắt nội dung Một đời thương thuyết
Chương 1: Thằng Bờm Và Phú Ông: Hai Tay Cao Thủ
NHỮNG ĐIỀU NÊN GHI NHỚ TRONG CUỘC THƯƠNG THUYẾT
- Định nghĩa thật đích xác món hàng sắp được đổi trao.
- Tìm hiểu vị trí và ý muốn của nhau: việc rà soát rất cần thiết.
- Luôn luôn xác nhận người mua có tiền để mua (Phú Ông), và người bán thực sự sở hữu hàng được bán (Bờm).
- Kết cục của cuộc thương thảo bao giờ cũng phải vui: Bờm cười.
- Cuộc trao đổi bao giờ cũng phải cân bằng cho đôi hoặc đa bên
- Tránh dằng dai cố chấp. Đừng sợ hớ nếu phe mình biết giá trị thật của món hàng.
- Kết cuộc xong, mối liên hệ phải tiếp tục tốt đẹp.
Chương 2: Trời Phú Hay Học Tập?
Giống như chơi đàn hay vẽ một bức tranh, thương thuyết là một nghệ thuật. Ta thường nghe nói người Trung Hoa hay người Do Thái buôn bán rất tài tình
VÀI ĐIỀU CẦN CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI BƯỚC VÀO CUỘC THƯƠNG THUYẾT
- Chúng ta muốn gì trong cuộc thương thuyết? Chúng ta đánh giá nó như thế nào? Sẵn sàng trả giá đến bao nhiêu?
- Phe chúng ta có thống nhất không? Cuộc thương thuyết nội bộ của phe ta đã có kết quả chưa? (Nếu chưa thì nên trì hoãn. Nếu có thì mỗi bộ, ngành phải thống nhất trên việc lựa chọn một thành viên đại diện duy nhất, một chiến lược chung). Tìm hiểu thật kỹ đối phương. Họ thực sự muốn gì? Họ chịu trả giá đến bao nhiêu? Văn hóa của họ như thế nào? Truyền thống thương thuyết của họ ra sao? Cách trình bày, ăn nói của họ khác chúng ta như thế nào?
- Giữ sự kính trọng với đối phương dù ta ở thế mạnh, xét theo nghĩa họ vừa là tập thể, vừa là mỗi cá nhân trong đội trước mặt. Nếu cuộc thương thuyết kéo dài, nên tìm hiểu cả nguồn gốc gia đình của các đối tượng cá nhân, vì hai bên vẫn còn nhiều cơ hội cộng tác với nhau, không phải đàm phán xong là hết việc
- Phải hiểu “win-win” nằm ở đâu, và lộ trình để đi tới. Phải uyển chuyển và cố gắng có óc sáng tạo để tìm thế cân bằng cho đôi hay đa bên. Không biết lộ trình thì không bao giờ đi tới đích.
- Lắng nghe và chỉ phát biểu khi đã hiểu chắc chắn. Khi phát biểu, phải tìm đủ mọi cách làm cho phía bên kia hiểu đúng như ý mình muốn họ hiểu. Và khi phe kia phát biểu, đừng ngần ngại hỏi đi hỏi lại đến khi hiểu chắc điều mà bên kia muốn mình hiểu. Truyền thông trung thực và khéo léo là chìa khóa giúp cho cuộc thương thuyết thành công.
- Thương thuyết là để đi đến kết quả chứ không phải để khoe tài. Đừng mời tự ái vào cuộc chơi. Hãy dai dẳng và ngọt ngào như kẹo chewing gum trong miệng. Đồng thời hãy vô cảm như cái bấc nổi trên mặt nước, có bão mấy cũng vẫn nổi
- Gìn giữ tính cách vui vẻ. Đối phương không phải kẻ thù mà là người sẽ cộng tác với mình khi thực hiện hợp đồng, nghĩa là hợp với đồng, tất nhiên phải đưa tới thành công cho đôi/đa bên.
- Đừng bao giờ nghĩ thương thuyết nhanh nhất thiết sẽ bị hớ! Nếu biết trước được thế thắng cho cả đôi bên ở đâu thì không bao giờ hớ cả. Trái lại nếu không biết điều này thì bao giờ cũng hớ, hoặc mang tiếng hớ! Cố gắng đừng kéo dài, câu giờ, vì đó là triệu chứng của sự thiếu sắp đặt. Kết thúc thương thuyết sớm bao giờ cũng tốt hơn. Có nhiều chuyên viên nghĩ rằng khi thương thuyết, phải tốn thời gian mới giành được thời gian! Hoàn toàn đúng thế: đừng bao giờ vội. Nhưng khi cả hai bên đều muốn đạt được kết quả thì không có lý do gì cố ý làm chậm trễ.
- Khi đến lúc kết thúc cuộc đàm phán, công ty trúng thầu nên có một cử chỉ đẹp “chốt lại” đối với khách hàng, như một cách khéo léo nhìn nhận rằng khách hàng luôn luôn là ông chủ. (Chịu thua ông chủ không tổn hại gì, mà còn có lợi nữa: sau này họ sẽ trả tiền công chu đáo hơn.)
- Hiểu biết tập quán của đối tượng và thạo ngoại ngữ là một điểm lợi không lường được.
- Hãy vào cuộc thương thuyết với lòng vui vẻ. Mình đi vào chỗ thương thảo chứ đâu phải ở chốn bạo lực!
Chương 3: Tâm Lý Chiến
NHỮNG ĐIỀU NÊN GHI NHỚ
- Thương thuyết là gây lòng tin giữa người với người. Vậy phá lòng tin là một vũ khí lợi hại.
- Thương thuyết ròng rã cho phép nhận xét những điểm yếu của đối tác. Những điểm yếu đó cho phép chế tạo ra vũ khí tâm lý đáp ứng nhất.
- Đòn tâm lý có tác động lâu dài. Đã sợ rồi thì không ai muốn liều nữa.
- Nếu một mặt ta khai thác những nỗi sợ hãi, mặt khác lại chiều khách hàng, tất nhiên ta dễ làm cho cuộc thương thuyết nghiêng có lợi về phía mình.
Chương 4: Chuẩn Bị Cho Một Cuộc Thương Thuyết
NHỮNG ĐIỀU NÊN GHI NHỚ
- Không một cuộc thương thuyết nào có hiệu quả cao nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng. Có chuẩn bị kỹ thì mới thương thuyết lưu loát và mạch lạc được.
- Mỗi khi thiếu chuẩn bị chỗ nào, y như rằng cuộc thương thuyết sẽ bị kẹt sau này ở chính chỗ đó. Phe thiếu chuẩn bị dễ bị “xỏ mũi” rồi bị đưa đi lạc hướng.
- Đoàn đi thương thảo phải được tổ chức quy củ để dễ đạt được hiệu quả và cũng để tránh những sai lầm tại chỗ, những thất thoát về thông tin rất tai hại.
- Sự chuẩn bị chu đáo còn cho phép chủ đầu tư cảm nhận được cách làm việc chuyên nghiệp của công ty tham dự. Nó sẽ tăng sự tín nhiệm của chủ đầu tư. Khi cuộc thương thuyết kéo dài, sự thiếu chuẩn bị sẽ lộ rõ. Ít khi khách hàng còn giữ sự tín nhiệm với công ty nào quá dễ dãi trong việc chuẩn bị thương thảo.
Chương 5: Bản đồ kịch sĩ
NHỮNG ĐIỀU NÊN GHI NHỚ
- Bản đồ kịch sĩ là danh sách các nhân vật có ảnh hưởng tới kết quả của cuộc thương thuyết, trực tiếp có, gián tiếp cũng có, ngầm hoặc chìm cũng có.
- Quên hoặc qua mặt những nhân vật này sẽ gây ra nhiều tình huống không hay.
- Khi đàm phán phải cố xử lý sao cho mỗi nhân vật thấy vui với chúng ta, để họ hưởng ứng bằng cách này hay cách khác.
- Không một trung gian nào có khả năng xử lý hết toàn bộ bản đồ kịch sĩ.
Chương 6: Người Trung Gian
NHỮNG ĐIỀU NÊN GHI NHỚ
Sự hiện diện của trung gian giỏi và sự hiểu biết sâu sắc của bản đồ kịch sĩ (cũng nhờ trung gian) là hai trong những điều kiện tiên quyết để thành công trong thương trường. Nắm được trung gian tốt sẽ giúp cho công ty của bạn mở hết mọi cửa. Không có trung gian tốt thì sẽ thiếu kẻ dẫn đường. Tuy nhiên, dù có người dẫn đường rồi, công ty vẫn phải chứng minh khả năng kỹ thuật, thành tích xuất sắc, đưa ra được một giá thành hấp dẫn, để rồi dần dần lấy được lòng tin của khách hàng và cuối cùng thắng thầu. Trung gian giỏi chỉ có thể giúp chứ không thể thay thế công ty của bạn trong cuộc đấu thầu và trong cuộc thương thảo tiếp theo đó. Trung gian xuất sắc là điều kiện thật cần để thành công, nhưng không phải vì thế mà đủ.
Chương 7: Ngân Hàng, Chỗ Nương Tựa Kín Đáo
NHỮNG ĐIỀU NÊN GHI NHỚ
- Ngân hàng là một kịch sĩ không thể tránh khỏi trong mọi dự án đầu tư cũng như thương mại. Ngân hàng tốt sẽ không những đem lại nhiều dịch vụ chất lượng, mà còn là một nhà tư vấn cho chủ đầu tư để đo đúng rủi ro, và chọn lựa chiến lược dùng dòng tiền hữu hiệu.
- Vài trường hợp vai trò của ngân hàng còn đi xa hơn thế. Ngân hàng có thể đóng vai phối hợp các nhà tài trợ, các ngân hàng tham gia, giúp cho chủ đầu tư tối ưu hóa được cách điều động dòng vốn.
- Chủ thể vay tiền tài trợ bao giờ cũng là chủ đầu tư. Tuy nhiên, phe nào cũng có ngân hàng của mình tư vấn.
- Khi tài trợ tới từ nước ngoài, ngân hàng offshore do nhà thầu chính chọn thường đóng vai quản lý tài trợ và điều động các ngân hàng khác cùng tham gia.
- Ngân hàng là một kênh tư vấn đáng quý. Họ giúp cho thông tin đầy đủ, ứng trước tiền khi cần, soi sáng cho các công ty có mặt về các thể thức phức tạp khi mô hình tài trợ cầu kỳ. Với những mô hình BOT, BOOT, BT, PPP, ngân hàng có thể dẫn dắt những công ty nào không rành rẽ những thể thức này lắm, và tất nhiên giúp cho họ giảm thiểu rủi ro.
- Khi công ty bạn phải chọn lựa ngân hàng chính cho một dự án, bao giờ cũng nên hướng về ngân hàng nào có cơ sở vững mạnh ở địa phương, quen biết đông và rộng tại địa phương đó. Nếu dự án tại hải ngoại, nên chọn ngân hàng nào có nhân viên cao cấp là người nước sở tại, rành tiếng bản xứ. Thông thường dự án nào cũng có. Lúc vào thế kẹt, chính ngân hàng sẽ có đủ khả năng gỡ rối, và nhân viên địa phương sẽ đóng vai trò then chốt trong những tình huống đó.
Chương 8: Luật Pháp Và Luật Sư, Bạn Của Chúng Ta?
NHỮNG ĐIỀU NÊN GHI NHỚ
- Luật sư là người bảo vệ bạn hay công ty của bạn hữu hiệu nhất. Cuộc chơi nào cũng có luật chơi, biết rõ nó sẽ có ưu thế.
- Luật pháp các nước có nhiều điểm khác biệt. Do đó khi làm việc ở nước ngoài, bạn lại càng cần sự hỗ trợ của luật sư nước sở tại.
- Khi hợp đồng được viết thiếu mạch lạc hoặc yếu kém về cách lập luận hay xử lý pháp luật, thông thường công ty thực hiện hợp đồng sẽ gặp bất trắc, chính vì hợp đồng có khe hở. Trái lại khi hợp đồng được viết một cách chặt chẽ thì việc thực hiện hợp đồng lại ít gặp những sự lôi thôi vô lý. Do đó sự hiện diện của luật sư giỏi, kinh nghiệm và tận tình, tuy rất tốn kém, sẽ tránh cho bao nhiêu chi phí vì rủi ro sau này.
- Luật sư của mình được xem như bạn của mình. Tuy nhiên họ trước tiên là bạn của pháp luật, chúng ta chớ nên quên.
- Luật kinh doanh theo tinh thần/văn hóa pháp lý của Anh/Mỹ đã được thế giới công nhận là chuẩn nhất cho các giao dịch quốc tế. Tuy nhiên bạn không nhất thiết phải dùng luật sư Anh hay Mỹ. Luật sư Mỹ rất đắt tiền và đôi khi không ngần ngại đặt thân chủ vào thế khó. Họ làm việc trước hết cho chính họ, trước khi làm việc cho thân chủ.
- Khi công ty của bạn làm việc với nước ngoài, không có gì cấm bạn chọn luật Việt Nam, xét xử tại Việt Nam với quan tòa Việt Nam. Tuy nhiên cũng không có gì cấm bạn chọn luật nước ngoài, xét xử tại nước ngoài với quan tòa ngoại quốc. Hai bên ký hợp đồng đều muốn thuận lợi về mình, điều đó dễ hiểu. Điều bạn phải nhớ là chưa chắc gì luật Việt Nam thuận lợi hơn. Phải xem vào chi tiết của tình huống mới kết luận được.
Chương 9: Chủ Quan Và Khách Quan Trong Ngôn Ngữ Thương Thuyết
NHỮNG ĐIỀU NÊN GHI NHỚ
- Điều cơ bản trong thương thảo là: họ hiểu đúng cái gì mình muốn họ hiểu, và mình cũng hiểu đúng cái gì họ muốn mình hiểu. Trông đơn giản, nhưng thực hành vô cùng khó khăn do tính chủ quan của mỗi đối tác.
- Thương thuyết thành công tùy thuộc vào khả năng thuyết phục. Luận điệu phải khách quan, dựa trên những yếu tố kỹ thuật hoặc khoa học.
- Tuy nhiên, không thể nào bỏ qua yếu tố chủ quan. Việc gây cảm tình làm cho tai của đối tác nghe chăm chú hơn, trí óc của họ có khuynh hướng dễ đón nhận hơn. Và tất nhiên khi đi đến kết luận, họ dễ chấp thuận kiến nghị hơn.
- Thương thuyết là một cuộc đối thoại giữa người với người, không phải với máy. Họ nghe bằng tim, nghĩ bằng lòng, lý luận theo cảm tình.
- Tóm lại, ai cũng nghĩ mình khách quan trong khi cách xử sự hoàn toàn chủ quan.
Chương 10: Sáp Nhập Và Mua Bán Công Ty
NHỮNG ĐIỀU NÊN GHI NHỚ
- Sáp nhập công ty là phương án luôn luôn tốt nhất nếu mục tiêu là bành trướng nhanh chóng.
- Sáp nhập cho phép cả hai công ty mua và bị mua làm loãng những vấn đề đang có khi chưa sáp nhập.
- Thị trường luôn luôn đón nhận tốt những kịch sĩ mới, với hình ảnh và uy tín mới, ít nhất trong thời gian đầu.
- Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy ở “bên trong”, việc sáp nhập đặt ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết. Các con số tài chánh có thể bù trừ, nhưng nhân sự sôi động rất khó quản lý.
- Giống như một cuộc cưới hỏi cọc cạch, hệ quả của việc sáp nhập luôn luôn kéo dài nhiều năm với những sự bất ổn trong công ty. Thành thử một cuộc sáp nhập sẽ gây ra nhu cầu sáp nhập thêm nữa, vì vụ sáp nhập mới “xí xóa” âm hưởng xấu của vụ sáp nhập cũ.
- Điều chắc chắn là các công ty gia đình nào đã sáp nhập (Việt Nam có nhiều những công ty này) sẽ không nhận ra tính cách gia đình của mình nữa sau sáp nhập. Ngược lại, nó cho phép “hậu duệ” có cơ hội làm việc trong một khung cảnh tư bản khoa học hơn.
Chương 11: Giao Thiệp Và Đàm Phán Với Người Nước Ngoài
Trong các cuộc thương thuyết, bạn phải nhớ rằng chúng ta thường ở thế “tay trên”! Thật vậy, nhiều quốc gia rất cần bán dự án cho chúng ta để giảm nạn thất nghiệp tại xứ của họ. Còn đến khi họ mua hàng của ta cũng là vì họ quá cần sản phẩm rẻ và có chất lượng. Cũng vì ở thế “tay trên” nên chúng ta đừng quên điều khoản chuyển giao công nghệ. Bạn nhớ nhé! Con cháu chúng ta sẽ được nhờ đấy!
Chương 12: Những Nguyên Tắc Của Người Thương Thuyết Và Cuộc Thương Thuyết
“Hãy luôn luôn cư xử một cách chân thành, và cứ mạnh dạn nói rõ ý của phe mình khi thương thảo, không cần phải giấu giếm. Đó là cách thương thảo đơn giản nhất và hữu hiệu nhất. Tất nhiên không phải lúc nào thái độ đó cũng đưa tới thắng lợi, nhưng thử hỏi có ai thắng lợi 100% suốt cuộc đời? Quan trọng là sau cuộc đàm phán còn lấy được sự trân trọng, quý mến. Cái đó mới thực sự có ý nghĩa. Thương thảo một cách chân thành không bảo đảm sự thắng lợi, nhưng nó bảo đảm sự thành công bất kể ký hay không ký hợp đồng.”
Và tôi phải nhìn nhận, sau gần 40 năm thương thảo, rằng lời ông bạn đồng nghiệp chí lý thay!
Chương 13: Những Trường Hợp Thương Thảo Thất Bại
Trong suốt cuộc đời nghề nghiệp tôi đã được chứng kiến nhiều trường hợp vấp váp, cũng như chính cá nhân tôi từng gặp nhiều trắc trở. Tôi đã tìm cách lý giải. Sau đây là những trường hợp thường gặp nhất.
- Thất bại vì chủ quan
- Thất bại vì tự ái
- Thất bại vì lủng củng nội bộ
- Thất bại vì kém chuẩn bị
- Thất bại vì lỡ hứa suông
- Thất bại vì không có đủ nguồn tiền để tiến trình theo cam kết
- Thất bại vì không có đủ nhân sự
- Thất bại vì thiếu khả năng sáng tạo
Chương 14: Trong Rừng Sâu Của Thương Thuyết
Nghề nào bạn cũng có thể giữ đạo đức được, kể cả nghề thương thuyết! Nói thế cũng đủ để bạn đặt nghi vấn việc thương thuyết có gì không “sạch sẽ”.
Chắc hẳn bạn đã nghe nói rằng các dự án là nơi lý tưởng để tham nhũng hoành hành. Điều đó không sai, và tất nhiên tôi đã phải giải quyết quá nhiều những đòi hỏi vô lý trong suốt quá trình làm việc. Tuy nhiên, nước nào cũng có tham nhũng, kể cả những nước… không tham nhũng. Tại một nước đạo Hồi, tôi được nghe nói là kẻ tham nhũng có thể bị chặt tay hay xử tử. Những người đi trước tôi đều khuyên tôi đem sang một ít sách thánh (Q’ran) để tặng. Không phải sách bán tại tiệm sách đâu! Đây là những quyển sách cổ, giá cũng ít nhất vài trăm hay vài ngàn đô la. Không ai trách được bạn khi bạn biếu khách quý sách thánh cả. Và cũng không có ai cấm được những người có sách cổ bán lại sách sưu tầm cho người khác… Đến thánh cũng phải chịu thôi!
Chương 15: Những Bất Ngờ “Ngộ Nghĩnh” Trên Lộ Trình
Tôi càng nói về những kỷ niệm xa xưa thì ký ức lại càng gọi những kỷ niệm về. Mấy chục năm bôn ba, sao kể hết. Để kết luận, tôi chỉ xin nhắc nhở các bạn nào đang hay đã vào cuộc đời buôn bán và đàm phán là trên lộ trình công việc cũng như tiến thân có vô số bất ngờ! Mà bất ngờ là gì nhỉ? Bất ngờ là những gì có thể xẩy ra bất cứ lúc nào mà trí khôn cũng như linh tính không đoán được trước, nó xuất hiện vào đúng lúc bạn không ngờ. Bản chất của nó là thế.
Cũng vì vậy mà khi chiến thắng, bạn hãy khiêm tốn đợi từng giây từng phút xem có bất trắc nào thình lình xuất hiện. Tương tự, lúc khốn đốn, bạn hãy tin tưởng vào một sức mạnh vô hình có khả năng lật ngược thế cờ, từ đó thuận lợi cho bạn. Sức mạnh này sẽ xuất hiện bất thình lình nếu bạn nhẫn nại đợi nó, nếu bạn đã làm tất cả những gì sức lực của bạn cho phép, nếu bạn đã chuẩn bị cho giả thiết bi đát nhất, cho tình huống tối tăm nhất.
Chữ ngờ không ai nắm vững. Toán học cũng chỉ tính được xác suất. Nhưng trong xã hội loài người vẫn có những sức mạnh giống như sóng ngầm, sẵn sàng cứu vớt kẻ nhiều thiện chí.
Trong suốt cuộc đời của mình, tôi đã cố làm bạn với một “thằng tên Ngờ họ Bất”. Lúc được lúc không, nhưng nhìn chung tôi cũng thấy thỏa mãn với những gì hắn đem lại cho mình.
Chương 16: Nói Chuyện Về Nghề Nghiệp, Chức Vụ Và Lương Bổng
NHỮNG ĐIỀU NÊN GHI NHỚ VÀ LỜI KHUYÊN CỦA TÔI
- Thị trường công việc đóng vai một quan tòa công minh đối với khả năng của bạn. Nếu bạn giỏi và làm việc tốt, thị trường sẽ đưa bạn lên. Đừng trông mong gì nơi các ông sếp nhỏ. Cơ hội chỉ tới với sếp lớn.
- Nếu sếp của bạn là một người không tốt, chẳng chóng thì chày bạn sẽ gặp nhiều vấn đề với họ và do họ gây ra. Lúc đó bạn sẽ nghẹn ngào lắm. Nên chia tay sớm.
- Nếu sếp tốt và tin cẩn nơi bạn, đừng nghĩ quá nhiều đến chuyện lương bổng mà nên hướng mình vào sự thích thú với công việc, thực hiện những dự án chung.
- Cuộc đời nghề nghiệp sẽ thú vị và có nhiều ý nghĩa
- Bạn nên đi theo tiếng gọi của đam mê nghề nghiệp.
- Đam mê sẽ giúp bạn đi nhanh hơn, đi sớm hơn, đi vững hơn trong niềm hạnh phúc
- Nghề nào cũng sẽ cho bạn đủ ăn, đủ mặc. Vậy đừng quan tâm quá nhiều vào đồng tiền, mà nên tìm khung cảnh làm việc thư thái cho phép có cuộc sống cân bằng với gia đình, bạn bè và xã hội.
- Dù ở vị trí trên hay dưới, bạn vẫn nên giữ thái độ tích cực và đạo đức. Trên đường dài bạn sẽ không bao giờ vấp ngã.
- Nghề nghiệp giống như một nghiệp chướng, nên bạn không cần thương thuyết với nó. Hãy vui vẻ chấp nhận nó, vì dù sao bạn cũng không làm khác được, vậy thắc mắc làm chi?
Chương 17: Đạo Lý Và Phúc Lành
Tôi chưa bao giờ bị thánh nhân trừng phạt, tôi xin khiêm tốn nói sự thật là như thế. Tôi xin chúc tất cả các bạn được hưởng cái “quy chế ưu đãi” vô hình đó. Tôi vững tin như bàn thạch là quy chế đó dành cho những bạn nào khiêm tốn ngay với khả năng của chính mình, kính trọng mỗi người trong xã hội, cẩn mật trong việc làm, có một nhiệt tình đặc biệt với cả xã hội loài người, có một đầu óc cầu tiến tích cực. Tôi tin chắc vào sự cố gắng, nét can trường trong khó khăn, và chắc chắn chữ nhẫn, chữ tâm là chìa khóa của sự thành công.
Ai mà học được chữ ngờ, bạn nhỉ? Nhưng chính nghề thương thuyết là nghề chuẩn bị cho chúng ta thái độ triết lý và tư tưởng đạo đức tốt nhất trước sự bất ngờ. Đạo và lý sẽ giúp chúng ta thấu triệt được rủi ro, biến hóa nó thành những cơ hội quý báu nhất.
Tôi đã gặp chữ may, tôi đã được thánh nhân phù hộ trong sự thành công và biến hóa những thất bại thành những bài học quý giá. Tôi xin chúc tất cả bạn đọc được luôn luôn hưởng những phúc lành tương tự.
4. Cảm nhận và đánh giá Một đời thương thuyết
Một cuốn sách thú vị, chân thật, gần gũi. Không khoa trương về những phi vụ làm ăn lớn hoành tráng, mà là những mẩu chuyện, những chia sẻ chân thành của tác giả.
Được viết từ trải nghiệm của một người thường xuyên “xông pha trận mạc” đàm phán, thật khó có thể tìm được cuốn sách nào khác về đề tài này mang tính thực tế cao hơn một đời thương thuyết. Trong đó không có những bài lý thuyết theo lớp lang chuẩn mực, nhưng độc giả sẽ được “sống” thực sự trong từng bối cảnh đàm phán như đang diễn ra trước mắt. Và độc giả sẽ đọc cuốn sách này chẳng khác gì đang đọc một tập truyện ngắn đầy những tình tiết thú vị.
Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha |
Tóm tắt & review sách Một đời thương thuyết