Tóm tắt & Review sách Mình là cá, việc của mình là bơi – Takeshi Furukawa

0
4579

Tóm tắt & Review sách Mình là cá, việc của mình là bơi của tác giả Takeshi Furukawa

1. Giới thiệu tác giả

“Mình là cá, việc của mình là bơi” là một trong những là cuốn sách của tác giả Takeshi Furukawa, được biết đến là chuyên gia tư vấn các thói quen tích cực, chủ trì nhiều cuộc hội thảo về các thói quen tích cực, tổ chức các khóa đào tạo dành cho chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, đồng thời còn là người giúp hơn 20.000 người có những kỹ năng cần thiết để phát triển bản thân. Một số đầu sách của tác giả đã được xuất bản tại nhiều quốc gia như: Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan, …

2. Giới thiệu tác phẩm

Cuốn sách “Mình là cá, việc của mình là bơi” được phát hành với bản phiên âm tiếng Việt vào năm 2017 bởi Nhà xuất bản Thế Giới. Nội dung của cuốn sách khá quen thuộc, theo mô típ của thể loại self-help. Việc đưa những câu chuyện đời thường, gần gũi với độc giả vào cuốn sách, dưới cách nhìn nhận của một chuyên gia tâm lý, tác giả đã giúp bạn đọc nhận ra được vị trí của bản thân mình, và tự tìm được câu trả lời cho các vấn đề của bản thân trong cuộc sống. Cuốn sách này sẽ giúp bạn xây dựng những thói quen tích cực, nhờ đó bạn có thể có một cuộc sống tích cực và hạnh phúc hơn.

3. Mục lục

  • Thói quen thứ 1: Chấp nhận toàn bộ con người của mình
  • Thói quen thứ 2: Thay đổi cách nhìn chứ không thay đổi người khác
  • Thói quen thứ 3: Cụ thể hóa một cách triệt để
  • Thói quen thứ 4: Nhìn nhận mọi việc từ nhiều góc độ
  • Thói quen thứ 5: Tập trung vào những việc có thể làm được
  • Thói quen thứ 6: Chấp nhận số phận
  • Thói quen thứ 7: Từ bỏ chủ nghĩa hoàn hảo
  • Thói quen thứ 8: Nhìn nhận vấn đề một cách tích cực
  • Thói quen thứ 9: Sống cho phút giây hiện tại

4. Tóm tắt nội dung sách Mình là cá việc của mình là bơi

Trong cuốn sách “Mình là cá việc của mình là bơi” tác giả đã đề cập đến 9 thói quen, mỗi thói quen lại gồm 5 mục. Với 9 thói quen này, nếu biết áp dụng thì nó sẽ giúp bạn có được lối sống tích cực, ý nghĩa hơn. Những gì được đưa ra trong sách là những gợi ý, phương pháp và hướng dẫn mà mọi người hoàn toàn có thể áp dụng trong thực tế cuộc sống.

Trong chương mở đầu của cuốn sách, tác giả chỉ ra các thói quen có thể thay đổi cuộc đời bạn cùng với một câu trích dẫn đầu mục khá thú vị của Shakespeare: “Cuộc đời con người không được quyết định bởi điều tốt hay điều xấu, mà được quyết định bởi suy nghĩ của người đó.” Đồng thời tác giả cũng đưa ra vài cách đọc, sử dụng sách để độc giả có thể thay đổi thói quen, suy nghĩ của bản thân một cách hệ thống hơn. Và bây giờ hãy cùng mình điểm qua từng thói quen một nhé. Vì ở mỗi thói quen tác giả đều đưa ra rất nhiều phương pháp để mọi người có thể chọn lọc và áp dụng nên mình xin phép chỉ tóm tắt những nội dung chính và tiêu biểu nhất.

Thói quen thứ 1: Chấp nhận toàn bộ con người của mình

Đề cập đến thói quen này, đầu tiên tác giả đã đưa ra những phương pháp để nâng cao đánh giá về bản thân, và khi chúng ta thực hiện được nó chúng ta sẽ cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình hơn.

  • Hình thành thói quen nhìn nhận ưu điểm của bản thân
  • Thử tìm sự “khác biệt” khi so sánh với người khác
  • Coi thất bại là do hành động

Tiếp đó, tác giả đưa ra những phương pháp bao dung với bản thân, theo tác giả việc yêu tất cả các mặt của bản thân cũng là điều quan trọng, khiến cho cuộc sống phong phú hơn. Trong những phương pháp của của mục này mình thấy “Chấp nhận bản chất của con người mình” là một trong những thói quen thực sự cần thiết. Chúng ta “Hãy tạm thời bỏ qua tiếng nói muốn thay đổi, muốn cải thiện trong đầu. Thay vào đó, hãy chấp nhận suy nghĩ bao dung rằng “đó cũng là con người của mình mà”, bản thân mình được tạo nên từ nhiều yếu tố rất khác biệt và đa dạng”

Phần tiếp theo của thói quen này, tác giả chỉ ra phương pháp nhìn lại các quy tắc của bản thân, phương pháp xác định rõ phương hướng của bản thân, phương pháp để hạnh phúc với chính bản thân đang trưởng thành. Nói chung lại, với thói quen thứ nhất tác giả chỉ ra những phương pháp để giúp bạn có thể sống với chính mình hơn. Hãy nhớ rằng: “Yêu chính bản thân mình là bắt đầu cho cuộc sống lãng mạn.”

Thói quen thứ 2: Thay đổi cách nhìn chứ không thay đổi người khác

Theo mô típ của thói quen trước, thói quen thứ hai, tác giả cũng chỉ ra phương pháp để chúng ta có thể nhìn nhận mọi thứ mọi cách chính xác và hoàn thiện hơn. Phần đầu, tác giả chỉ ra những phương pháp chấp nhận sự “khác biệt”, nó gồm:

  • Có cái nhìn đa chiều để nhìn nhận sự “khác biệt”
  • Quan sát và tiếp nhận

Tiếp đến tác giả đưa đến đọc phương pháp suy nghĩ từ lập trường của đối phương, điều đặc biệt ở phương pháp này là tác giả đã chỉ rõ từng bước để độc giả có thể dễ áp dụng hơn. Chúng ta hãy cùng điểm qua các bước nhé.

  • B1: Hoàn toàn là chính bạn
  • B2: Đứng ở vị trí của người thứ 3
  • B3: Trở thành “đối phương”
  • B4: Một lần nữa trở về về vị trí của người thứ ba
  • B5: Trở về là chính bạn

Trong phần tiếp theo tác giả đã nêu ra phương pháp 4 bước để tha thứ cho đối phương, đó là:

  • B1: Liệt kê những người không thể tha thứ
  • B2: Hãy nghĩ đến những chuyện đáng biết ơn
  • B3: Viết những lời cảm ơn
  • B4: Thay đổi thành hình ảnh tốt đẹp hơn

Không dừng lại ở đó, tác giả còn đưa ra phương pháp hãy cho đi, phương pháp bảo vệ giới hạn của bản thân. Tóm gọn lại, với việc đưa ra hàng loạt phương pháp ở thói quên thứ hai tác giả mong bạn có thể áp dụng hiệu quả nó và hiểu được rằng: “Nếu bạn giúp đỡ người khác bằng cả tấm lòng thì nhất định bạn cũng sẽ được người khác giúp đỡ lại. Đó chính là một trong số những phần thưởng đẹp nhất của đời người”.

Thói quen thứ 3: Cụ thể hóa một cách triệt để

Trong thói quen này, tác giả đưa ra phương pháp viết lên giấy những cảm xúc chán ghét, phương pháp vượt qua “quy tắc ngôi nhà ma”, phương pháp phân biệt thực tế và suy diễn, phương pháp định lượng, phương pháp hướng dẫn giải pháp thay vì chỉ tập chung vào vấn đề. “Hãy chia nhỏ những khó khăn” trích dẫn này có lẽ là điều mà tác giả muốn nói với trong chương này.

Thói quen thứ 4: Nhìn nhận mọi việc từ nhiều góc độ

“Cuộc đời là bi kịch khi quay gần, nhưng là hài kịch khi quay xa”. Đến với chương này bạn sẽ được trải nghiệm phương pháp nhìn nhận bản thân từ góc độ khác, phương pháp đặt mình vào vị trí của người mà bạn kính trọng, phương pháp biết thêm những câu chuyện của những người vĩ đại, phương pháp cân nhắc mọi chuyện sau một khoảng thời gian dài và phương pháp cuối cùng là suy nghĩ dưới góc độ bi quan/lạc quan/thực tế. Mục đích của việc đưa ra những phương pháp ở mục này, tác giả mong bạn đọc có thể nhìn nhận sự việc từ góc rộng lớn hơn và dưới góc độ khác nhau, lúc đó bạn sẽ thấy thoải mái hơn và có thể tìm thấy các giải pháp cho mình.

Thói quen thứ 5: Tập trung vào những việc có thể làm được

Các phương pháp tác giả đề cập trong mục này là: tập trung vào quá trình; phân loại làm được, không làm được; lên kế hoạch khắc phục; tháo phanh trong tâm lý và cuối cùng là phương pháp baby steps. Các thói quen chính trong phương pháp này gồm có: Hạ thấp các rào cản của hành động, nếu không làm được hãy thử với hành động mới. Mục đích của các phương pháp này, tác giả mong mọi người hiểu được: “Chúng ra làm việc dựa trên tiền đề là cho ra kết quả, tuy nhiên khi đã bắt đầu hành động thì ra cần tập trung vào từng bước, từng bước đi của bản thân”. Hãy nhớ rằng: “Quá khứ và người khác là điều không thể thay đổi được. Nhưng tương lai và bản thân lại có thể thay đổi.”

Thói quen thứ 6: Chấp nhận số phận

Trong mục này tác giả đã đề cập đến những phương pháp mà giúp chúng ta khi áp dụng sẽ nâng cao khả năng chấp nhận những chuyện bất khả kháng, giúp bản thân mạnh mẽ hơn. Các phương phâp đó là: chấp nhận những điều không thể thay đổi được, đối mặt với tình huống xấu nhất, chấp nhận những điều kiện ràng buộc, chào đón một tương lai không chắc chắn, sẵn sàng trước những thử thách của cuộc đời. Một trích dẫn hay trong phần đầu của mục là một câu nói hay của Irving Berlin: “Cuộc đời con người có 10% là do chúng ta tạo nên, và 90% còn lại là cách chúng ta chấp nhận mọi chuyện như thế nào.

Thói quen thứ 7: Từ bỏ chủ nghĩa hoàn hảo

Với những phương pháp trong mục này, tác giả giúp độc giả hiểu được rằng từ bỏ chủ nghĩa hoàn hảo thì bạn sẽ không hề trở nên ngốc, làm như thế không phải quá nuông chiều bản thân và càng không làm giảm chất lượng công việc nếu bạn áp dụng các phương pháp mà tác giả chỉ ra đúng cách. Các phương pháp này bao gồm: đối phó với suy nghĩ “không chấp nhận ngoại lệ”, trung hòa suy nghĩ trắng đen, định hướng mục tiêu, xác định giới hạn nâng cao hiệu quả, khắc phục chứng bệnh sợ thất bại. Trích dẫn nhỏ trong mục: “Sự hoàn hảo chỉ tồn tại trong trái tim bạn, nó không tồn tại ngoài đời thực.”

Thói quen thứ 8: Nhìn nhận vấn đề một cách tích cực

Trong mục này cùng với những phương pháp được đúc kết, tác giả mong rằng bạn đọc sẽ tạo cho mình thói quen nhìn nhận lại mọi việc một cách khách quan. Những phương pháp được tác giả đề cập đến là: bốn câu hỏi giúp biến thất bại thành kinh nghiệm, tìm kiếm những ý nghĩa tích cực, đặt niềm tin tích cực vào những thử thách, tìm ra những điều đáng biết ơn, nhận ra rằng bão tố chắc chắn sẽ qua đi. “Chúng ta không chỉ tạo ra những chiếc bóng đèn, chúng ta còn tạo ra những nụ cười cho các gia đình.” – trích dẫn đầu mục.

Thói quen thứ 9: Sống cho phút giây hiện tại

Trong thói quen này, mình đã bị hấp dẫn ngay từ trích dẫn đầu: “Hãy bịt kín quá khứ và tương lai bằng cánh cửa sắt, hãy chỉ sống cho một ngày hôm nay.” Theo tác giả, “Bạn chỉ nên tập trung lại vào một việc và biến nó thành thói quen của bản thân mình thì tỉ lệ thành công sẽ cao hơn. Để có thể giảm bớt căng thẳng và nâng cao năng suất làm việc, bạn cần tạo cho mình thói quen mỗi lần chỉ tập tập trung làm một việc.” Các phương pháp được tác giả nêu ra bao gồm: mối lần tập trung vào một việc, tạo trạng thái dòng chảy, suy nghĩ trong khoảng thời gian giới hạn, nhịn thông tin, sống một ngày như một đời.

Trong phần lời kết, tác giả gửi lời cảm ơn đến độc giả và tóm tắt lại các thói quen.

Trích dẫn hay trong “Mình là cá, việc của mình là bơi”:

  1. “Trên đời này vốn không có cái gì gọi là công bằng hay chơi đẹp cả. Con người càng trải qua những chuyện vô lý, càng trải qua những chuyện bất công thì lại càng được tôi luyện và mạnh mẽ hơn.”
  2. “Quá khứ và người khác là những điều không thể thay đổi được, nhưng bản thân và tương lai thì lại có thể thay đổi.”
  3. “Không có cơn bão nào không tan, không có đêm nào mà bình minh không đến.”
  4. “Trên đời này cái gì cũng có lí do của nó, thất bại hay khó khăn chỉ làm ta trưởng thành hơn mà thôi”
  5. “Thay vì suy nghĩ có làm được hay không thì hãy suy nghĩ xem nên làm thế nào để thực hiện nó.”
  6. “Yêu chính bản thân mình là bắt đầu một cuộc sống lãng mạn.”
  7. “Nếu bạn không biết quý trọng ngày hôm nay thì nó sẽ nhanh chóng trôi qua trong những tháng ngày bận rộn.”
  8. “Dù là chuyện nhỏ nhặt đến đâu đi chăng nữa, chỉ cần bạn hành động nhằm hướng đến giải quyết vấn đề thì bạn có thể trung hoà nỗi lo lắng thường trực.”
  9. “Ngày hôm nay….

Ngày mà con cho rằng thật vô nghĩa,
Là ngày mà những người đã mất hôm qua không còn sống nữa,
Là ngày mà bọn họ muốn sống bằng mọi giá,
Hôm nay là ngày như vậy đấy.
Hôm nay là ngày như vậy đấy.
Hôm nay, bố thật biết ơn khi được gặp con như thế này.”

5. Cảm nhận và đánh giá sách Mình là cá việc của mình là bơi

“Mình là cá, việc của mình là bơi” là một cuốn sách khá hữu ích dành cho những người cần có những gợi ý giúp bản thân tháo gỡ những khó khăn trong cuộc sống. Cuốn sách được trang trí ngoài bìa dễ thương, bắt mắt, tiêu đề khá hấp dẫn và nội dung thì đáng trải nghiệm. Cách viết của tác giả khá bình dị và dễ đọc, đôi chỗ hơi khó hiểu, nhưng những chia sẻ của tác giả rất logic và hợp lý.

Tuy nhiên, khi mình đọc các nhận xét của độc giả trên goodreads có nhiều bạn cho rằng nội dung cuốn sách không mấy đặc sắc, lôi cuốn, nội dung không mấy liên quan đến tựa đề của sách nói đúng hơn là tựa đề chỉ là một trong các lời khuyên mà tác giả đưa ra để độc giả luyện tập cách thay đổi suy nghĩ của mình, vì là cuốn self-help chuẩn Nhật nên ngôn ngữ viết khá khô khan nên có thể không hợp với gu đọc của những bạn thích ngôn từ hoa mỹ. Riêng mình lại cho rằng điểm trừ của cuốn sách chính là  trình bày các luận điểm dưới dạng hệ thống một cách rõ ràng, mạch lạc, khiến cho cảm xúc của cuốn sách dần mất đi. Nhưng dù sao đi nữa thì “Mình là cá, việc của mình là bơi” là một cuốn sách bản thân mình cho là đáng trải nghiệm.
Gấp lại cuốn sách, mong bạn sẽ tháo gỡ được những điều đang mắc phải trong cuộc sống.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Mình là cá việc của mình là bơi

Tóm tắt & Review sách Mình là cá, việc của mình là bơi – Takeshi Furukawa

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 13 Average: 4.6]
Cảm nghĩ của bạn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây