Tóm tắt & Review sách Lê La Từ Nhà Ra Ngõ – Làn (Dương Thùy Dung)

0
952

Tóm tắt & Review sách Lê La Từ Nhà Ra Ngõ – Làn (Dương Thùy Dung)

1. Giới thiệu tác giả

Cuốn sách được chắp bút bởi Dương Thùy Dung – cô gái tràn đầy năng lượng với tên gọi khác là Làn. Làn chia sẻ bản thân mới tập viết lách cách đây 2 năm và cô cũng sở hữu fanpage “Ti vi của bố” với hơn 450k lượt theo dõi.

2. Giới thiệu tác phẩm

“Lớn rồi! Thật ra chẳng có gì hoàn hảo. Chỉ cần mọi thứ hài hòa”. Trong “Lê la từ nhà ra ngõ” của Làn, bạn đọc dễ dàng bắt gặp chính mình trong đó, nơi những câu chuyện đời thường được phác họa mộc mạc, nơi yêu thương được gợi nhớ chỉ bằng một cái tên và là nơi mình nhận ra cuộc đời thật tươi đẹp và đáng sống.

Soi mình trong ký ức của Làn với những “thước phim” chân thật như câu chuyện về bà, về mâm cơm tựa mâm cỗ mỗi lần con gái học xa về thăm nhà, hay như về sự ấm áp trong dăm ba câu bố hỏi mỗi lần gọi điện – dù lần nào câu hỏi cũng chỉ là con có khỏe không, con đã ăn cơm chưa?

3. Tóm tắt nội dung sách Lê la từ nhà ra ngõ

Sách gồm 2 phần là TỪ NHÀ và RA NGÕ.

“TỪ NHÀ” đưa ta vào thế giới của những an yên thường nhật, có những người thân trong gia đình, có những ngọt ngào chỉ có thể miêu tả bằng 2 chữ “tình thân”. Đọc “Từ nhà” để hiểu cội nguồn của yêu thương chính là gia đình. Gia đình là nơi nuôi dưỡng không chỉ về thể xác mà còn về tâm hồn của mỗi người. Lật từng trang sách như lật một lớp vỏ mà bố mẹ đang cất giấu, bố mẹ thực ra cũng chỉ là những người bình thường, cũng là lần đầu tiên làm bố mẹ. Bởi vậy nếu được, hãy tha thứ trước sự quan tâm vụng về và hãy kiên nhẫn hơn với gia đình của mình.

“RA NGÕ” được Làn kể dưới dáng vẻ của bác bán nước đầu ngõ, của bà đồng nát, của những người lạ mặt mà ta từng gặp gỡ hay chỉ lướt qua nhau 1 lần rồi không bao giờ gặp lại. Tất cả những cái tên đều thật lạ tai và có lẽ cũng chẳng hề liên quan đến nhau. Nhưng với Làn, với “Lê la từ nhà ra ngõ” ta hiểu tất cả mọi người đều có một mối liên kết, đó chính là LÒNG TỐT – thứ keo kết nối vô hình song vô cùng bền bỉ và chắc chắn.

Sau đây, hãy cùng mình trải nghiệm một số câu chuyện của cuốn sách nha!

YÊU

“Có người sẽ thích một cuộc đời êm ả, sáng đi làm tối về nhà nấu cơm chăm sóc gia đình, háo hức với những ngày nghỉ, chill chill với lá hoa bỉm tã, lấy đi chợ nấu nướng làm niềm vui, lấy khoảng sân nắng ấm trà khói bay làm giai điệu, nhu mì chốn công sở mong cầu bình yên… Có người khác sẽ thích một cuộc đời bão bùng tung hoành ngang dọc chạy đua với các con số, hạnh phúc hân hoan khi chinh phục được mục tiêu, vừa ăn vừa làm cột sống mỏi nhừ lòng háo hức… Người ta nói người 1 là an phận thủ thường, là không có chí tiến thủ. Nói người 2 hà cớ chi sống vội bon chen.

Có người thích yêu đương, trải nghiệm chuyện yêu đương thật thú. Yêu đương cuồng nhiệt và buông tay lạnh lùng… Mỗi một người đi qua đều để lại nhiều kỉ niệm, tô vẽ lên thật nhiều màu có cả những gam màu sáng, đôi khi là xám mờ sương sương… Có người ngại mở lòng, rón rén trước từng mối quan hệ. Ngại ngùng làm quen, ngại ngùng bắt chuyện, ngại ngùng cầm tay, ngại ngùng hôn… Yêu ai là giữ chặt, là một lòng, đôi khi bị cấu một cái rõ đau vẫn tha thứ cho qua. Yêu nhẹ nhàng như lá như hoa… Người ta nói người 1 yêu đương nhăng cuội, coi yêu đương là trò đùa, đào hoa nhăng nhít. Nói người số 2 ủy mị nhu mì. Lụy tình cam chịu…

Có người yêu con gái, có người yêu con trai, có người yêu cả gái cả trai, có người ở vậy chả cần yêu đương. Có người thích sưu tập vàng bạc đá quý sổ đỏ sổ hồng, có người thích sưu tập đá cuội lá rơi, truyện tranh nước mắm… Cũng chả sao nếu 2 người ấy là 1. Có người thích học toán, có người thích làm thơ, người kia thích đánh đàn, có người thích làm thinh làm biếng… Người ta thì thường chê, đánh giá những thứ khác mình, mà không nhận ra bản thân mình cũng chẳng phải chuẩn nhất. Cũng chẳng lấy đâu ra có một phiên bản nào gọi là chuẩn nhất bây giờ?

Từ ngày nhận ra điều ấy, thấy mọi thứ xung quanh nhẹ nhàng.”

Con gái ăn cơm chưa con

“Bạn là con út, là con mót vì bố mẹ ngoài 40 mới có bạn. Anh kế hơn 15 tuổi, chị cả thì mình không biết, mình toàn gọi nhầm là cô.

Người ta hay nói con sẽ không thông minh, sức khỏe cũng không tốt nên bố mẹ thương lắm. 2 anh chị trên cũng chiều, bố mẹ cũng chiều như công chúa, từ học hành, chơi bời bạn bè đều được để ý, chăm lo cho chả phải đụng tay cái gì. Cũng vì thế ngột ngạt. Bạn mơ là đi du học, để thoát khỏi bố mẹ. Chứ học đại học ở Việt Nam thì bố mẹ còn kiểm soát nhiều. Rồi bạn học Đại học ở Hà Nội, 1 năm sau đi Úc. Cách xa hẳn bố mẹ và chênh nhau 4 tiếng đồng hồ.

Mỗi ngày bố bạn đều gọi điện hỏi:

  • Ăn cơm chưa con?
  • Học hành sao?
  • Thời tiết thế nào?
  • Con có khỏe không?

Nhiều lúc bức xúc vì bị hỏi quá nhiều, bạn thường gắt gỏng:

  • Vẫn như hôm qua không gì đổi khác ạ!

Tháng 6 năm ngoái bạn học xong chương trình bên ấy, chờ mở đường bay, hết dịch thuận tiện sẽ về Việt Nam hẳn luôn. Bố mẹ mong lắm, bạn tận hưởng nốt những ngày bên này, bố mẹ thì chờ “hết dịch con về”.

Rồi bùng dịch…

15/9. Anh bạn nhắn:

  • Bố F0, mẹ F1. Bố vào viện, mẹ đi cách ly rồi mày!

Bạn bắt đầu sợ, tự trấn an vì bên này mọi người tự khỏi nhiều, rằng thì quê không phải tâm dịch nên không sợ lắm. Bố vẫn hàng ngày gọi điện:

  • Con gái ăn cơm chưa con?

Nhiều hôm bố thức để canh giờ ăn bên này, gọi điện nhắc. Tình hình của bố bạn không nắm chắc. Chỉ biết bị tổn thương phổi, phù nề toàn thân, phải vô phòng cấp cứu nằm. Bố gọi lệch bữa nhiều hơn. Nhiều lúc gọi bố không bắt máy. Nhiều lúc bố trả lời tin nhắn lộn xộn không đọc được.

25/9. Bố không gọi nữa…

Cái mùa dịch này, làm người ta ân hận nhiều, người ta biết sai, chưa kịp sửa thì đã phải trả cái giá đắt quá rồi”

Mẹ không cần bệnh viện

“Mẹ đi cuốc đất trồng chuối, bị hòn sỏi to sắc lẹm bắn lên mắt. Sưng vù. Mẹ về nhà bảo bố soi cho, may là nhắm kịp mắt, nhưng bên trong vẫn tổn thương đỏ lừ, bên ngoài thì tím bầm xước xát, nước mắt chảy ròng ròng. Bảo mẹ đi bệnh viện đi, mẹ bảo không cần, để 2-3 hôm tự khỏi. 2-3 hôm sau chẳng khỏi, lại còn rõ tổn thương hơn. Mắng mẹ bắt đi viện, mẹ nhất định không cần. Lọ mọ lấy lá lẩu xông. Nay bảo khỏi chẳng biết khỏi thật hay khỏi giả vờ.

Mấy hôm mẹ cúm, ai cũng sợ mắc dịch. Tại cúm với ho lắm. Bảo mẹ test đi, khám đi, tại mẹ làm ở chỗ đông người. Mẹ bảo không sao. Vẫn đi làm được. Lên công ty test. Thế là vẫn đi làm, xong đội mưa đi mua thuốc, lấy lá lẩu về xông ngày 2-3 bận. Mẹ bảo mẹ khỏi rồi.

Cần quái gì bệnh viện.

Thuốc bổ mua cho mẹ, mẹ bảo mẹ khỏe re. Chả cần uống. Lọ yến trong tủ lạnh từ đời, nay dọn tủ thấy đã hết hạn. Thuốc bổ, sữa, mua về, mẹ tiếc nên chẳng uống. Cứ chờ khi nào ốm rồi uống. Nhưng ốm cũng không dùng. Mấy sau thuốc hết hạn, lại ngồi tiếc ngẩn ngơ. Đợt ấy đi tình nguyện khám chữa bệnh miễn phí cho bà con nghèo ở các tỉnh miền Tây. Nhiều lắm các bà các mẹ đến, đứng ngoài cửa trạm ngó vô, ngồi nhìn người khám nườm nượp.

  • Cô ơi cô dzô khám đi, dzô lẹ không hết giờ bác sĩ dìa nè cô
  • Tao có bệnh chi mà khám. Không cần khám.
  • Cứ dzô cô ơi, khám miễn phí không hà! Cô dzô khám xong ra con phát quà cho đem dzìa này.
  • Mày cho quà thì tao lấy, chứ dzô bác sĩ khám ra bịnh tùm lum, tao lấy đâu ra tiền mà chữa.

Rồi các cô cười hề hề, nịnh cách mấy cũng không vô. Mình quen nhiều lắm những người mẹ không ốm, không cần thuốc, “không cần bệnh viện”.

Mùi của người thương

“Những người thương nhau người ta thường nhận ra nhau bằng mùi.
Thương nhau, đến mức những mùi không dễ chịu cũng thành mùi thương.

Ngày bé, thích ôm chầm lấy mẹ. Mùi áo mẹ thơm, mùi cổ mẹ thơm, mùi tóc mẹ cũng thơm lừng. Rúc vào lòng mẹ, hít lấy hít để. Bố kể, hôm nào mẹ đi làm đêm, bố phải mặc áo mẹ, có mùi mẹ con mới yên tâm ngủ.

Bố lúc nào cũng ấm sực. Bố có mùi hơi ngái của dầu máy, phảng phất mùi khói thuốc. Bố có mùi kem cạo râu hơi bạc hà mát lịm. Mùi của bố lạ lắm, khó diễn tả ghê gớm, là cái sự pha quyện thân quen. Khoác áo bố, ấm hơn tất cả các loại áo trên đời.

Mùi của bà. Bà có mùi bồ kết, đôi khi thoang thoảng mùi khen khét của khói. Tay bà có mùi đất, đôi khi là mùi con Su mới được bà ôm, mùi cám bà bốc cho đàn bồ câu, mùi quả bưởi bà mới bóc.

Mùi của em bé thơm thơm, mùi ngậy ngậy, muốn cắn một miếng nhưng không nỡ nên nhẹ nhàng dừng lại ở cái hôn. Mùi một em bé, hít hà cả ngày sẽ thấy miệng mỉm cười mắt lim dim.

Mùi là cái gì đấy đặc trưng vô cùng. Những người thương nhau nhiều người ta thường nhận ra nhau bằng mùi. Thương nhau, đến mức những mùi không dễ chịu cũng thành mùi thương. Lâu lâu không gặp, ôm một cái, hít hà cái mùi quen tự dưng bao nhiêu yêu thương lại ùa về.”

Mẹ tớ là công nhân

“Không ai coi thường mẹ cả
Người ta không được phép”

Ngày xưa tớ thấy bố mẹ các bạn làm giáo viên, bác sĩ, làm công chức đi làm mặc áo sơ mi vest, đi giày cao gót là tớ ghen tị lắm. Thấy mấy bạn thật oai. Mẹ tớ làm công nhân cơ khí. Về sau làm được hơn chục năm thì mắt mẹ kém quá, người cũng yếu nên người ta ưu ái cho mẹ ra làm nhân viên trông xe. Việc của mẹ mỗi ngày là kiểm tra lượt ra lượt vào của cả nghìn cái xe ở phòng lợp mái tôn, chỉ có một cái quạt. Trước con có cái ti vi đen trắng nhưng giờ người ta không cho mẹ xem ti vi nữa. Mùa nóng, nắng phả vào mái tôn bốc xuống đầu mẹ. Mẹ đội mũ nhúng nước, đắp khăn mặt ướt lên, đeo khẩu trang ướt. Một lát nó lại khô. Mẹ đi tất tay tất chân, vì cái nắng với hàng trăm hàng nghìn chiếc xe qua lại cùng hơi xăng bốc lên khiến cho cái nóng càng rát ràn rạt.

Mùa lạnh gió rít thông thống vì xung quanh trống huơ trống hoác như một cánh đồng. Cái “nhà” mẹ ở không chắn kính. Mẹ làm ca đêm, nằm đệm bằng bìa các tông trên cái ghế tre, đắp một chiếc chăn mỏng. Mỗi tuần mẹ làm đêm hai bữa. Từ 7 giờ tối đến 6 giờ sáng. Đêm ngủ cứ 10 – 15 phút thì lại mở cửa cho các chú lấy xe một lần. Mỗi đêm thức dậy một chục lần như thế. Mẹ kiêm lao công. Cả cái nhà xe rộng tới mấy trăm mét vuông, sân bãi. Mỗi lần quét mẹ đều phải vẩy nước cho bụi đỡ bay tung mù lên.

Ngày bé, mẹ đi làm về mà ôm Dung là Dung hay nói: “Sao người mẹ thối thế?”

Tớ ghét công ty lắm. Tại sao người ta không lắp cho mẹ và các cô một cái điều hoà? Khó khăn với mẹ cả việc ăn uống trong giờ (trong khi giờ làm việc kéo dài cả 11 – 12 tiếng, có duy nhất một người), rồi điều kiện làm việc tệ lắm, cái vé xe cũng là mẹ tự viết tự làm.

Thế nhưng mẹ vẫn chịu. Có lần tức người này người kia, mẹ kể với bố nhưng mẹ vẫn chịu. Có lẽ vì tính an toàn, ổn định của mẹ cao quá, nên mẹ sẽ nhịn hết. Các chú quý mẹ lắm. Chú nào đi xe nào mẹ cũng nhớ, thi thoảng người lạ mẹ mới cần dùng vé. Mẹ xởi lởi, các chú đến làm nói với mẹ 2 – 3 câu bắt đầu ngày mới, làm xong mệt nói với mẹ vài ba câu cũng nhẹ nhàng. Mọi người hay khen giọng tớ hay, nhưng không bằng góc tư của mẹ.

Người ta coi mẹ là “lao động phổ thông không cần trình độ” nhưng thật ra mẹ giỏi hơn bất kì ai. Mẹ làm đủ thứ, kiếm nhỏ từ cào cái thẻ điện thoại, mẹ mò mẫm cổ phiếu chơi để tiết kiệm, mẹ lại lạch cạch mò thông tin bất động sản để “lướt sóng” mua qua đổi lại. Nhà tớ không giàu nhưng đủ đầy nhờ mẹ biết vun vén. Ngày bé, mẹ hay mang tớ vào nhà xe để mẹ dạy học. Con học đến đâu, mẹ học đến đấy để dạy lại. Tớ thi học sinh giỏi cũng là mẹ ôn cho, lên tận cấp Ba mẹ vẫn dạy.

Mỗi mùa hè, những học sinh xuất sắc của công ty đều được thưởng đi du lịch và tuyên dương. Tớ và rất nhiều các bạn con nhà “công nhân” đều được tuyên dương như vậy. Năm ấy thi đại học, điểm tớ cũng nhất nhì trong số bạn cùng tuổi nhà các cô chú ở công ty.

Không ai coi thường mẹ cả.
Người ta không được phép.”

Tớ không xinh

“Tớ ý thức được bản thân không xinh xắn từ ngày còn rất nhỏ. Tức nghĩa là suốt hơn hai mươi năm qua, tớ luôn biết một điều rằng mình không xinh xắn. Hồi còn nhỏ, đi chụp ảnh. Cô nhiếp ảnh bảo: “Sao con bé này có cái mũi dị thế? Hếch ngược lên.” Tớ không biết nghĩa là gì. Nhưng tớ hiểu đó nghĩa là “xấu”.

Lớn hơn một chút, đi mua xôi sáng thì gặp như này:

  • Con nhà ai đây bà?
  • Con nhà Toản Ngọc đấy!
  • Ôi lông mày rậm nhờ, cong vút như vẽ kìa. – Mà mũi hếch ngược lên, phí thế.

Tớ cầm gói xôi, đứng đơ ra!

Năm lớp 8, tớ thầm mến bạn nọ. Bạn thân với tớ lắm. Tớ suốt ngày sang nhà bạn, bạn dạy Lý cho. Bạn vừa cao vừa giỏi, đã vậy lại đẹp trai. Mọi người hay trêu tớ với bạn, ngại lắm. Tớ cũng chẳng dám nói là tớ thích người ta. Hôm ấy lên lớp, mọi người trêu, bạn cười cợt vỗ vai tớ trêu lại:

  • Anh em huynh đệ thôi! Chứ xấu giật mình như này xin dành người khác.

Sau câu nói ấy, tình bạn bốn năm của tụi mình chấm dứt. Rất lâu sau bạn vẫn thắc mắc lý do tại sao. Mãi đến tận sau này, tớ vẫn nghe những câu nói vô tình như: “đen thế”, “mụn thế”, “mũi hếch thế”, “bắp chân to như đàn ông”. Người nói không có ý gì, nhưng mình vẫn trơ khấc. Tới giờ, tớ vẫn tin mình không thuộc về thế giới người đẹp. Bạn bè tớ cũng là những đứa bình thường, ngoại hình không xuất sắc. Tớ cũng không buông lời chê bai, hay đùa cợt về ngoại hình của ai, vì bản thân biết làm vậy là đau lắm. Có một bạn đẹp trai lắm! Đẹp trai xuất sắc luôn! Bạn thích tớ. Với tớ, đẹp trai quá là một điểm trừ. Bạn tán một năm rồi á, nhưng vẫn là một điểm trừ. Tớ không thể bên cạnh một người đẹp trai quá được, vì tớ có đẹp đâu. Tớ không thích sự khập khiễng. Đẹp trai vừa phải, sáng láng thì cộng chứ đừng đẹp hơn.

Tớ đi diễn kịch bốn năm. Một ngày tớ dừng lại. Vì sân khấu có lẽ không dành cho tớ. Năng lực vừa vừa, lại còn không đẹp. Cái nghề này nhiều người đẹp lắm.

Tớ sợ nổi tiếng. Khi nổi tiếng sẽ có nhiều người thích, nhưng cũng nhiều người ghét nữa. Họ sẽ đào lại những khoảnh khắc xấu điên của tớ để công kích. Tớ không chịu được đâu. Tớ nhận ra sự tự ti này vẫn in sâu trong con người mình. Tất cả đều xuất phát từ lời nói của “mọi người”. Nếu không ai nói gì, không ai chê bai, có lẽ tớ cũng sẽ tự thấy mình xinh. Nhưng xã hội không vận hành như thế. Tớ chịu thôi. Đôi khi chính tớ cũng gây ra thương tổn cho người khác. Ai cũng phải chịu và vô tình gây ra tổn thương. Tớ vẫn cố gắng mỗi ngày để giỏi lên này, để sâu sắc hơn và cũng vui hơn nữa. Giờ tớ cũng đang hạnh phúc lắm. Tớ tự nhủ, tuy không xinh nhưng tớ cao nè, gầy nè, dễ thương nè. Tớ vui vẻ, tớ “mặn” chết được nè. Và tớ còn có vô vàn thứ khác nữa.

Ý! Ông trời không lấy hết của ai. Tớ chưa yêu cái mũi của tớ lắm, nhưng tớ biết nếu tớ cười thật tươi, sẽ không ai nhận ra cái mũi hếch của tớ nữa, quay nghiêng một chút, mặt sẽ bớt to hơn. Đôi khi mọi thứ không cần hoàn hảo, chỉ cần hài hòa. Mong cho mọi thứ hài hòa.”

4. Cảm nhận và đánh giá sách Lê la từ nhà ra ngõ

“Lê la từ nhà ra ngõ” giống như một bông bồ công anh, chỉ cần một làn gió nhẹ cũng đem những yêu thương bung tỏa từ những góc nhỏ nhất trong nhà ra những thênh thang ngoài đường xá. Cuốn sách tựa một cuốn “hồi ký” chung dành tặng cho tất cả những người trẻ – những người từng thấy chênh chao và vô định trên hành trình trưởng thành, những ai cần 1 nơi để tìm về và gửi gắm những nỗi lòng của mình.

Với cách kể chuyện hóm hỉnh và có chút “ngẫu hứng”, đọc “Lê la từ nhà ra ngõ” như đang trò chuyện cùng cô bạn nhà kế bên. Để khi khép lại những trang sách cuối cùng, ta chấp nhận rằng cuộc sống này dù không hoàn hảo nhưng cũng đáng sống đó chứ. Cuộc sống nơi những người ta thương vẫn đang hít thở dưới bầu trời cao rộng.

Đầu năm 2022, mến gửi bạn những trang sách dễ thương trong “Lê la từ nhà ra ngõ”, hãy thả mình vào từng con chữ để thêm yêu, thêm trân quý cuộc sống giản đơn song cũng ẩn chứa nhiều điều diệu kỳ xung quanh mình.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Lê la từ nhà ra ngõ

Tóm tắt & Review sách Lê La Từ Nhà Ra Ngõ – Làn (Dương Thùy Dung)

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Cảm nghĩ của bạn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây