Tóm tắt & Review sách Kỷ luật làm nên con người – Lý Kiệt
Mục lục
1. Giới thiệu tác giả
Tác giả Lý Kiệt, hiện không có nhiều thông tin về tác giả Lý Kiệt, quý độc giả nếu có vui lòng comment ở dưới bài viết.
2. Giới thiệu tác phẩm
Cuốn sách này giới thiệu và phân tích 44 nguyên tắc đào tạo nhân tài của Học viện quân sự West Point áp dụng cho các tân binh nơi công sở như “tinh thần trách nhiệm”, “tuân thủ quy định”, “kỉ luật nghiêm khắc”, “cống hiến”… Trong sách tác giả đưa ra những câu chuyện, tình huống rất phổ biến ở công sỏ và diễn giải một cách ngắn gọn khiến người đọc có thể hiểu trong nháy mắt, dễ nắm bắt, từ đó bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cần có của nhân tài, giúp con đường sự nghiệp của chúng ta sớm thành công và bền vững.
3. Tóm tắt nội dung sách Kỷ luật làm nên con người
Ví dụ điển hình
Singapore là một quốc gia nhỏ bé, song Hãng hàng không quốc gia Singapore lại nằm trong Top 10 hãng hàng không tốt nhất thế giới. Chỉ một hãng hàng không nhỏ, tại sao lại có thể vượt lên hàng trăm đối thủ trên thế giới để giành về cho mình vị trí đó? Chủ tịch hội đồng quản trị của Hãng hàng không quốc gia Singapore đã trả lời rằng, đáp án chỉ có một, đó là vì họ có văn hóa “danh dự”.
Hãng hàng không quốc gia Singapore luôn coi con người là yếu tố hàng đầu. Họ ưu tiên tuyển chọn những người ưu tú nhất, có đầu óc sáng tạo nhất, đồng thời sẵn sàng chi ra khoản tiền khổng lồ để đào tạo nhân viên. Nhân viên thuộc Hãng hàng không quốc gia Singapore đều cảm thấy vô cùng tự hào khi được là một thành viên của công ty, họ tin rằng bản thân mình đang mang trên vai danh dự của công ty và cống hiến hết sức mình cho sự phát triển của công ty, coi đó là trách nhiệm của mình.
Nhờ sự dẫn dắt về tinh thần đó, Hãng hàng không quốc gia Singapore đã giành được rất nhiều thành tựu to lớn trong việc phát triển và sáng tạo, mỗi nhân viên đều không ngừng tìm tòi, suy nghĩ xem cần cải tiến như thế nào để thúc đẩy doanh thu cũng như chất lượng dịch vụ của hãng.
Danh dự của công ty đã trở thành danh dự của toàn thể nhân viên, mỗi nhân viên của Hãng hàng không quốc gia Singapore đều cảm thấy tự hào với mỗi bước tiến của công ty. Năm 1995, nhờ những đầu óc sáng tạo và sự nỗ lực của toàn thể nhân viên mà Hãng hàng không quốc gia Singapore đã thành công ra mắt chương trình “KrisFlyer”. Sự kiện này đã cho thấy hệ thống dịch vụ của hãng được nâng lên một tầm cao mới, cũng đặt nền tảng cho hãng trở thành một trong những hãng hàng không đẳng cấp nhất thế giới.
Bài học kinh nghiệm
Điều gì đã khiến cho toàn bộ nhân viên của Hãng hàng không quốc gia Singapore nỗ lực hết mình vì lợi ích của công ty? Đó chính là bởi văn hóa danh dự của doanh nghiệp, khiến cho tất cả nhân viên đều đem sự tiến bộ của bản thân kết hợp với danh dự của công ty. Họ không chỉ nỗ lực vì lợi ích cá nhân mà còn vì danh dự của công ty. Với động lực là danh dự, chúng ta có thể phát huy năng lực ngoài sức tưởng tượng, từ đó giành được những thành công rực rỡ, vì công ty và cũng vì chính bản thân mình mà tạo ra nhiều giá trị hơn nữa.
Danh dự là danh tiếng và sự tôn trọng rộng khắp mà ta có được nhờ thành tựu và địa vị. Nó không phải là thứ sinh ra đã có, cũng không phải là thứ hữu hình có thể cầm nắm được, mà là sự đánh giá hành vi mẫu mực do tổ chức xã hội đưa ra một cách chính thức. Vì thế, danh dự được coi là biểu tượng của việc con người theo đuổi sự hoàn hảo. Thành tựu của cá nhân không thể tổng kết chỉ bằng một yếu tố duy nhất. Dù là tiền tài, của cải hay địa vị xã hội thì cũng không đủ để khái quát toàn bộ thành tựu của một người. Chỉ sở hữu giá trị vật chất đơn thuần của tiền bạc thì tuyệt đối không thể có được sự tôn trọng của toàn xã hội.
Ví dụ điển hình
Ngũ Tử Tư muốn giúp Ngô Vương huấn luyện binh sĩ, nhưng ông vốn là người nước Sở nên lo ngại không được tin tưởng hoàn toàn, bèn tiến cử một người nước Ngô tên là Tôn Vũ. Ngô Vương lệnh cho Tôn Vũ giảng về binh pháp, song Tôn Vũ không muốn chỉ nói lí thuyết suông mà hi vọng có thể diễn tập thực tế cho Ngô Vương xem. Ngô Vương không khỏi băn khoăn, sao có thể điều động bao nhiêu binh sĩ như vậy cho Tôn Vũ huấn luyện được? Tôn Vũ hiểu nỗi lòng của Ngô Vương, bèn nói: “Không cần phải là binh sĩ, chỉ cần mượn tạm cung nữ trong cung là được.” Ngô Vương càng thêm khó hiểu, nghĩ rằng Tôn Vũ chỉ đang nói đùa, song Tôn Vũ cam đoan rằng nếu mình không làm được thì sẽ tùy ý Ngô Vương xử phạt. Ngô Vương bèn chấp nhận yêu cầu, cho triệu tới ba trăm cung nữ, do hai phi tần mà Ngô Vương sủng ái nhất phụ trách.
Tôn Vũ bắt đầu huấn luyện các cung nữ. Ban đầu, cònmới mẻ nên đều hào hứng nghe theo và hoàn thành những chỉ dẫn của Tôn Vũ. Nhưng khi thấy không còn gì thú vị, các cung nữ bắt đầu quay ra nô đùa, chẳng chịu nghe theo bất cứ chỉ thị nào của Tôn Vũ. Tôn Vũ ra khẩu lệnh tới hai lần cũng không có ai bận tâm đáp lời. Lần thứ ba, Tôn Vũ lặp lại khẩu lệnh, đồng thời yêu cầu đội trưởng phải chịu trách nhiệm quản lí các thành viên của đội mình. Lúc này, tuy các cung nữ đã nghe theo khẩu lệnh của Tôn Vũ nhưng thực hiện rất rời rạc, chậm chạp. Tôn Vũ đã rất tức giận, nghiêm giọng ra lệnh: “Quan chấp pháp đâu!” Quan chấp pháp vội chạy tới, Tôn Vũ hỏi, cả đội ngũ nghe hiệu lệnh tới ba lần mà không làm theo, đội trưởng cũng không hề có biện pháp gì răn đe, vậy phải xử phạt đội trưởng như thế nào? Quan chấp pháp trả lời: “Theo luật, chống lệnh phải chém đầu!”
Tôn Vũ nghe vậy bèn lập tức hạ lệnh xử phạt theo quân pháp. Ngô Vương thấy thế vội vàng phái người ngăn lại, nói mình đã hoàn toàn lĩnh hội được năng lực điều binh khiển tướng của Tôn Vũ, mong Tôn Vũ giơ cao đánh khẽ, tha tội cho hai phi tần. Song Tôn Vũ vẫn kiên quyết không thay đổi, quân vô hí ngôn, trong quân đội sao có chuyện nói đùa, rồi lệnh đem hai phi tần của Ngô Vương ra xử chém ngay. Ngô Vương vô cùng tức giận, nhưng Ngũ Tử Tư đã can rằng: “Nếu bệ hạ muốn huấn luyện được một quân đội thấy nguy nan cũng không lùi bước thì nhất định phải khiến cho mọi người thấy quân lệnh như sơn, công bằng với tất cả mọi người. Mĩ nhân dễ kiếm, nhưng tướng tài thì khó tìm!”
Đó là câu chuyện xảy ra năm 506 trước Công nguyên, Ngô Vương sau đó phong Tôn Vũ làm đại tướng, thống soái sáu trăm nghìn binh sĩ đánh bại nước Sở, giành được thành công vang dội.
Bài học kinh nghiệm
Tôn Vũ đã kiên định với mệnh lệnh của mình, hoàn toàn làm đúng với cương vị của ông khi đó. Điều này cho thấy ông không sợ hãi khi đứng trước Ngô Vương, tuân thủ quân pháp là nghiêm khắc với người khác và cả bản thân mình. Sự nghiêm khắc của Tôn Vũ là lời giải thích tuyệt vời nhất về kỉ luật và công bằng. Huấn luyện quân đội là việc vô cùng quan trọng với tồn vong của quốc gia. Cho dù là các cung nữ hay phi tần, chỉ cần họ đang đứng trên sân tập thì đều phải tuân theo mệnh lệnh và chịu xử phạt như những binh sĩ thực sự.
Quản lí nghiêm khắc không có nghĩa là không có chút khoan dung nào, nhưng sự khoan dung phải được xem xét trên cơ sở chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh. Nếu cứ khoan dung không cần lí do, buông lơi quản lí, thì cho dù là đội quân tinh nhuệ, mạnh mẽ đến đâu cũng sẽ trở nên thụt lùi, vô tổ chức, dẫn đến sự thất bại và thương vong của tập thể.
Từ xưa đến nay, yếu tố làm nên thành công của các vĩ nhân nhất định phải bao gồm sự nghiêm khắc. Cho dù là trong hành động hay phép tắc ứng xử thì sự nghiêm khắc đều có ý nghĩa hoàn chỉnh nhân cách của chúng ta, khiến chúng ta có thể chiến thắng mọi thử thách và gặt hái được những thành tựu to lớn.
Ví dụ điển hình
Cường là sinh viên mới tốt nghiệp đại học, cậu suôn sẻ vượt qua kì thi công chức địa phương và vào làm ở một cơ quan nhà nước. Công việc chính của Cường là lên kế hoạch và chuẩn bị cho các hoạt động, sự kiện tuyên truyền của địa phương.
Cường rất hài lòng với công việc này, vừa gần nhà, có thể chăm sóc bố mẹ, vừa có nhiều cơ hội đi lại, tiếp xúc với nhiều người. Đây cũng là những mong muốn về công việc của Cường. Một năm sau, cậu nghe tin về các bạn học cũ của mình, mức lương của họ đều cao gấp đôi, gấp ba so với mức lương của cậu. Ban đầu Cường cũng có chút hụt hẫng, cậu cảm thấy mình kém hơn các bạn không chỉ là mức lương mà còn là cơ hội làm việc ở thành phố lớn, được mở rộng tầm nhìn. Những trải nghiệm này trở thành ước mơ của Cường, nhưng chúng thật khó có thể thực hiện được ở quê cậu.
Thế là Cường trở nên oán thán, làm việc với tâm thái bi quan, không còn năng nổ, nhiệt tình như trước. Cấp trên cũng nhận ra biểu hiện làm việc không tốt của cậu và nhắc nhở. Cường nghe xong tự ái, lập tức viết đơn xin nghỉ việc, một mình đến thành phố lớn tìm kiếm cơ hội. Cậu thấy mình có năng lực như các bạn cùng lớp, có cùng trình độ giáo dục nên tìm việc nhất định là chuyện chẳng có gì khó. Nhưng cậu đã nộp hồ sơ khắp nơi, suốt hai tháng ròng mà vẫn không tìm được một công việc như ý, tiền bạc đem theo cũng tiêu hết, cậu trở nên rất lo lắng. Tới tháng thứ ba ở thành phố lớn, khó khăn lắm cậu mới xin được một công việc với mức lương cơ bản, chủ yếu là chạy việc lặt vặt cho người khác, hằng tháng còn phải chi trả tiền thuê nhà và phí sinh hoạt, cuối cùng chẳng dư được bao nhiêu. Cuộc sống của Cường chẳng được ổn định, dư dả như mong muốn, chế độ đãi ngộ và cơ hội phát triển đều không bằng trước đây. Giờ đây, cứ mỗi lần nghĩ đến việc mình nông nổi, nóng vội nộp đơn xin nghỉ việc là Cường lại thấy hối hận vô cùng.
Bài học kinh nghiệm
Sự thất bại của Cường khởi nguồn từ việc cậu quá xem trọng tiền bạc trong khi bỏ qua những lợi ích lâu dài mà công việc đem lại cho mình. Khi cân nhắc một công việc chúng ta không nên chỉ dựa vào yếu tố tiền lương, nhất là với những bạn trẻ mới bước chân vào xã hội, hầu hết đều chưa có kinh nghiệm nên cần xác định rằng mức lương mà mình nhận được chắc chắn không cao. Song Cường lại mù quáng ngưỡng mộ các bạn học mà xin nghỉ việc khi chưa suy nghĩ kĩ càng. Điều kiện kinh tế và tốc độ phát triển của các thành phố lớn quyết định việc mức lương trung bình ở đó sẽ cao hơn so với các thành phố nhỏ hay tỉnh lẻ, song chi phí sinh hoạt và tiêu dùng ở thành phố lớn cũng sẽ cao hơn rất nhiều so với những nơi kia. Tóm lại, chất lượng cuộc sống của Cường và các bạn của mình là tương đương với nhau. Ngoài ra, đối với việc lựa chọn nghề nghiệp còn cần phải xem tương lai phát triển của ngành đó và kế hoạch sự nghiệp của bản thân.
4. Đánh giá sách Kỷ luật làm nên con người
Trên thế giới này, mỗi người sinh ra không ai giống. Có những người sinh ra đã may mắn được hưởng nhiều đặc ân trời ban, chỉ cần bản thân anh ta không quá kém cỏi thì có thể dễ dàng đạt được những thành tựu mà nhiều người bình thường khác phải cố gắng hết mình, nỗ lực cả đời mới giành được. Sự không công bằng này tồn tại ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nhưng đó không phải là lí do để bạn buông xuôi, thả mình theo dòng chảy của cuộc đời. Dù sự cố gắng của anh ta trong mắt bạn chẳng có chút gì ghê gớm, song cũng vì cố gắng mà anh ta mới không trở thành người vô dụng. Đối với người sinh ra đã được trời ban những điều kiện đặc biệt mà nói thì cố gắng nghĩa là ít nhất anh ta cũng đã vượt qua bài kiểm tra về tinh thần rồi.
Còn bạn, dù bạn sinh ra là ai, hoàn cảnh gia đình như thế nào, dù phải đối mặt với khó khăn lớn đến đâu thì bước đầu tiên để bạn giành lấy thành công chính là nâng cao năng lực của bản thân, khiến bản thân vượt lên trên những điều kiện khác. Một nhân tài thực sự là người dám đối đầu với mọi thách thức, là người có sức mạnh vô địch, có thể chiến thắng bất cứ ai. Chỉ cần bạn hiểu và biết cách sử dụng sức mạnh của mình thì bạn hoàn toàn có thể tạo nên những kì tích trước giờ chưa bao giờ xảy ra.
Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha |
Tóm tắt & Review sách Kỷ luật làm nên con người – Lý Kiệt