Tóm tắt và Review sách Hoa trên mộ Algernon – Daniel Keyes
Mục lục
1. Giới thiệu tác giả
Daniel Keyes sinh ngày 9/8/1927 tại Brooklyn, cha mẹ ông là những người dân Ukraina nhập cư. Trong cuốn hồi ký “Algernon, Charlie và tôi: Một hành trình viết lách” (xuất bản 1999) của mình, ông viết rằng cha mẹ ông muốn ông trở thành bác sĩ. Trong lúc chờ đợi con tàu đưa mình đến trường đại học để theo học như cha mẹ trù tính thì trong đầu ông nảy ra hai suy nghĩ, đầu tiên là: “Việc đi học lấy kiến thức của tôi đang đặt một vật chèn vào giữa tôi và những người tôi yêu thương.” Và sau đó là: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu có thể gia tăng trí thông minh cho con người?”
Trong sự nghiệp viết của mình, Daniel Keyes còn phát hành nhiều tiểu thuyết nữa, trong đó có “The Touch” (xuất bản 1968) kể về một tai nạn công nghiệp liên quan đến chất phóng xạ. Về mảng phi tiểu thuyết, ông có “The Minds of Billy Milligan” (xuất bản 1981) kể về một bị cáo trong một vụ án mạng được cho là người mắc bệnh rối loạn đa nhân cách.
2. Giới thiệu tác phẩm
Xuất bản lần đầu năm 1959, “Hoa trên mộ Algernon” chỉ là một truyện ngắn, nhưng đến lần phát hành sau, năm 1966, tác phẩm đã được Keyes chuyển thành tiểu thuyết, và kể từ đó, “Hoa trên mộ Algernon” bán được hàng triệu ấn bản. Tác phẩm kể về Charlie Gordon, một cậu thanh niên bị thiểu năng trí tuệ với chỉ số IQ chỉ đạt mức 68, từ chỗ ngốc nghếch đã trở nên tinh khôn rồi thông thái siêu việt sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật cấy ghép trí thông minh nhân tạo đã được thử nghiệm thành công trên chú chuột có tên Algernon và sau cùng trở lại ngây ngô như ban đầu.
3. Tóm tắt nội dung Hoa trên mộ Algernon
Cuốn sách miêu tả tiến trình chuyển đổi nhận thức của một con người qua hai giai đoạn: từ một kẻ đần độn trở thành thiên tài và từ một thiên tài trở lại kẻ đần độn.
Charlie Gordon, người thiểu năng với chỉ số IQ 68, như một đứa trẻ 6 tuổi, đọc, viết, làm toán, mỗi việc mà người ta đã thành thạo từ khi còn bé đều là một cực hình với anh. Anh cũng chẳng hề hiểu được những mối quan hệ và cảm xúc phức tạp của một người trưởng thành. Với anh, chỉ cần ai đó cười với mình thì nghĩa là người đó rất thích mình, chẳng cần biết người ta cười vì điều gì cả. Chính vì sự ngô nghê của mình, Anh bị gia đình hắt hủi và buộc phải làm chân sai vặt để tự nuôi sống bản thân mình.
Chính vì không ý thức được sự phức tạp của xã hội mà tinh thần lạc quan đã trở thành phẩm chất nổi bật nhất ở anh chàng này. Charlie chưa bao giờ hoài nghi hay nghĩ xấu về người khác, và vì vậy, luôn vui vẻ, cởi mở, tin tưởng, sống tích cực và yêu thương tất cả mọi người.
Charlie đã đồng ý trở thành một đối tượng thí nghiệm cho các giáo sư trong việc nghiên cứu khả năng thông minh của con người. Và thông qua một cuộc phẫu, chỉ số IQ, chỉ sau vài tháng ngắn ngủi, đã vụt lên 185 điểm; nhờ vậy, Charlie có cơ hội tiếp cận với những tinh hoa kiến thức vĩ đại nhất thế giới. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, sau những niềm vui ban đầu, anh lại không hề hạnh phúc. Trí tuệ phát triển khiến nụ cười không còn hiện diện trên gương mặt anh nữa. Nếu như trước đây, Charlie luôn yêu quý những người xung quanh và có nhiều bạn bè; thì trong lúc này, anh trở nên lạnh lùng và cô độc hơn bao giờ hết.
Sự thông minh không đi liền với sự phát triển về kỹ năng xã hội hay tình cảm tâm hồn, nên Charlie bắt đầu rơi vào một vùng đầy những mâu thuẫn, dằn vặt, đau khổ và rồi anh nhận ra rằng, những người anh thực sự muốn làm bạn, những người đã từng cười với anh, bây giờ, họ sợ hãi, xa lánh anh.
Vậy thì, suy cho cùng, phiên bản nào của Charlie mới thực sự tốt hơn? Là một đứa trẻ thiểu năng ngày ngày sống vui vẻ, hay một thiên tài trầm lặng, u uất?
Và Charlie thông minh đã phát hiện ra rằng “trí tuệ là một trong những món quà tuyệt vời nhất của con người. Nhưng thường thì người ta để tâm tìm kiếm kiến thức chứ chẳng mấy khi tìm kiếm tình yêu… Trí tuệ mà không có khả năng cho và nhận tình cảm sẽ dẫn đến hiện tượng suy sụp tinh thần và đạo đức, rối loạn thần kinh chức năng và thậm chí rối loạn tâm thần… Bộ não nào tự thẩm thấu, tự thu hút chính nó theo mục đích tự tôn, loại trừ mọi mối quan hệ con người với nhau chỉ có thể dẫn tới bạo lực và đau khổ”.
Daniel Keyes đã cho độc giả cơ hội chứng kiến cuộc sống thiếu hụt trí tuệ hoặc cảm xúc tích cực là như thế nào, qua đó suy ngẫm và hiểu rõ hơn tầm quan trọng của mỗi khía cạnh này đối với con người; từ đó nỗ lực cân bằng chúng để có một cuộc sống hài hòa, viên mãn. Thay vì tự hỏi cái nào tốt hay tệ hơn, chẳng phải hay hơn sao nếu ta vừa là một cá nhân ưu tú, vừa giữ được đức tính khiêm nhường và sự kính trọng người khác? Nếu có thể tư duy sắc bén để thấu suốt được sự phức tạp của cuộc sống, nhưng cũng không vì lẽ đó mà bi quan, nghi ngờ, mà luôn nỗ lực tìm kiếm và giữ vững niềm hy vọng vào những điều đẹp đẽ trên đời, chẳng phải thế giới này sẽ tốt đẹp hơn sao?
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”
-Xuân Diệu, Giục giã–
Thật ngẫu nhiên, hai câu thơ này lại phản ánh rất chính xác cuộc đời của Charlie Gordon.
Sau này, chú chuột Algernon, con vật đã được thử nghiệm trước đó như Charlie đã chết, và Charlie gần như đã biết kết cục cuối cùng của mình. Những ngày tháng khủng khiếp đã bắt đầu xảy ra với anh khi anh dần mất đi tất cả những ý thức mà mình đã từng có.
Thật tuyệt vời khi một người đần độn trở thành một người thông minh, nhưng cảm giác thật khủng khiếp nếu một người thông minh phải quay trở về những ngày dốt nát, u mê, tăm tối của mình.
Tuy vậy, dù những ngày vinh quang nhanh chóng lụi tàn, dù phải kết thúc cuộc đời trong bi kịch, thì Charlie Gordon cũng đã chạm vào điều ước của mình, đã sống hết mình với ước mơ, đã tỏa sáng, đã hoàn thành sứ mệnh của một con người. Chính bản thân anh rồi cũng sẽ không còn nhớ, không còn hiểu được những công trình nghiên cứu của mình, nhưng di sản vô giá mà anh để lại vẫn còn đó, để những thế hệ sau vẫn biết rằng từng có một Charlie Gordon đặc biệt như thế, tài giỏi như thế, can đảm như thế, đã sống trên đời.
Câu chuyện khép lại bằng lời nhắn gửi của Charlie trước khi tự nguyện vào sống trong trại dành cho người thiểu năng để chủ động chờ đón cái chết một cách dũng cảm và sòng phẳng, như anh đã luôn như vậy. “Đặt giùm hoa lên mộ Algernon”. Điều còn cao quý hơn cả trí thông minh, đó là sự đồng cảm, tình yêu thương và lòng trắc ẩn.
4. Cảm nhận và đánh giá tác phẩm Hoa trên mộ Algernon
Cuốn sách được viết như một loạt các mục nhật ký của Charlie, với chính tả, ngữ pháp và tư tưởng càng về sau càng được cải thiện. Ngôn ngữ của Hoa trên mộ Algernon uyển chuyển, tinh tế và sâu sắc.
Keyes đã tỏ ra rất dụng công trong việc xây dựng tâm lý của nhân vật Charlie. Anh hiện lên là một con người dị biệt, dù lúc đần độn hay khi thông minh, độc giả cũng sẽ dễ gặp gỡ anh, bởi Charlie có đầy đủ những bản tính nguyên sơ nhất, mà con người luôn nỗ lực bồi đắp, đó là tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Keyes đã thành công khi viết nên một cuốn sách đau lòng tuyệt đẹp như vậy, đã khơi dậy được những rung động đẹp đẽ nhất của con người.
Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha |
Tóm tắt & Review sách Hoa trên mộ Algernon – Daniel Keyes