Tóm tắt & Review sách Giận – Thích Nhất Hạnh

0
1491

Tóm tắt & Review sách Giận – Thích Nhất Hạnh

1. Giới thiệu tác giả

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng đồng thời là giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội và nhà hoạt động hòa bình người Việt Nam. Ông đồng thời cũng là người sáng lập tông phái Truyền thống Làng Mai, được lịch sử công nhận là nguồn cảm hứng chính và là người đưa ra khái niệm Phật giáo dấn thân.

2. Giới thiệu tác phẩm

Khi ta giận, khi một ai đó làm cho ta giận, ta phải trở về với thân tâm và chăm sóc cơn giận của mình. Không nên nói gì hết. Không nên làm gì hết. Khi đang giận mà nói năng hay hành động thì chỉ gây thêm đổ vỡ mà thôi… Như thế là không khôn ngoan. Phải trở về dập tắt lửa trước đã… “Giận” là một cuốn sách hay của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nó mở ra cho ta những khả năng kỳ diệu, nhưng lại rất dễ thực hành để ta tự mình từng bước… thoát khỏi cơn giận và sống đẹp với xã hội quanh mình.

3. Tóm tắt nội dung sách Giận

Mời bạn cùng mình trải nghiệm vài chủ đề mà mình rất thích trong cuốn sách này nhé!

Cơn giận không phải chỉ là một hiện tượng tâm lý

Theo lời Bụt dạy, thân và tâm không thể tách rời. Thân chính là tâm và đồng thời tâm cũng chính là thân. Vì thân và tâm liên hệ chặt chẽ và không thể tách rời cho nên cơn giận không phải chỉ là một hiện tượng thuần túy tâm lý. Trong Đạo Bụt có danh từ namarupa. Namarupa tương đương với danh từ psycho-soma của khoa học Tây phương. Danh từ Namarupa hay psycho-soma có thể dịch là tâm- sinh-lý, là thân và tâm như một hợp thể. Cùng là một hiện tượng mà có khi phát hiện ra như thuộc về tâm, có khi phát hiện ra như thuộc về thân.

Quan sát tính chất của các hạt cơ bản (elementary particle) các nhà khoa học vật lý khám phá ra rằng các hạt cơ bản có khi biểu hiện ra dưới một dạng sóng (wave), có khi biểu hiện ra như một hạt vật chất. Sóng rất khác với vật chất. Sóng chỉ có thể là sóng, nó không thể là vật chất. Nhưng đối với một hạt cơ bản thì sóng và vật chất cùng là một. Vì vậy thay vì gọi các hạt cơ bản là sóng hay vật chất, các nhà khoa học đã phối hợp hai danh từ wave và particle lại với nhau và gọi hạt cơ bản là ‘wavicle’. Thân và tâm cũng vậy. Do nhận thức nhị nguyên (dualistic view) mà ta nghĩ rằng tâm không thể là thân và thân không thể là tâm.

Nhưng nếu quán chiếu cho sâu ta sẽ thấy rằng thân tức là tâm và tâm tức là thân. Nếu vượt thoát được lối nhìn nhị nguyên cho rằng thân và tâm là hai thực thể riêng biệt thì có thể đạt đến rất gần chân lý thực tại. Nhiều người đã bắt đầu ý thức rằng tất cả những gì xẩy đến cho thân thì cũng xẩy đến cho tâm và ngược lại. Y khoa hiện đại đã nhận ra rằng thể xác bị bệnh có thể do tâm thần gây nên và tâm thần bị bệnh có thể do thể xác gây nên. Thân và tâm không phải là hai thực thể riêng biệt mà chỉ là một. Muốn chăm sóc cơn giận chúng ta trước phải chăm sóc thân thể. Cách chúng ta ăn uống, tiêu thụ vì vậy rất quan trọng.

Nên giúp, không nên phạt

Một người không biết xử lý đau khổ của mình thường vung vãi đau khổ ra xung quanh. Mình khổ và làm người khác khổ. Thường thường là như vậy. Vì vậy cho nên phải học cách xử lý đau khổ để đừng có vung vãi đau khổ ra xung quanh. Nếu là cha hay là mẹ thì bạn phải biết rằng hạnh phúc trong gia đình bạn là một điều rất quan trọng. Vì tình thương đối với những người thân mà bạn không muốn làm cho họ khổ lây khi bạn khổ. Bạn thực tập chăm sóc khổ đau là vì khổ đau của bạn không phải là một vấn đề của riêng bạn. Khổ đau không phải là một vấn đề cá nhân. Hạnh phúc cũng không phải là một vấn đề cá nhân.

Khi một người giận mà không biết cách chăm sóc cơn giận cho nên đau khổ, cô đơn rồi làm cho những người chung quanh cùng khổ. Thoạt đầu chúng ta nghĩ rằng người đó đáng bị ta trừng phạt. Ta muốn trừng phạt vì người ấy làm cho ta khổ. Nhưng chỉ sau mươi, mười lăm phút thiền hành và quán chiếu ta khám phá ra rằng người ấy cần được giúp đỡ hơn là trừng phạt. Đây là một tuệ giác tốt đẹp. Người kia có thể là người rất thân của ta, là vợ hay chồng, hay là con cái của ta. Nếu chính ta không giúp những người ta thương thì ai giúp họ bây giờ? Vì biết ôm ấp cơn giận mà bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhưng bạn nhận ra rằng người kia đang khổ. Nhờ thấy như vậy mà bạn có ý muốn đến với người ấy. Không ai giúp đỡ cho người ấy được ngoại trừ bạn. Và bây giờ trong lòng bạn tràn đầy ý muốn giúp đỡ.

Đây là một ý tưởng hoàn toàn khác hẳn – ý muốn trừng phạt không còn nữa. Sân hận của bạn đã biến thành tình thương. Thực tập Chánh Niệm đưa đến Định và Tuệ. Tuệ giác là hoa trái của sự tu tập. Nhờ đó mà bạn có khả năng thương yêu và tha thứ. Chỉ trong mười lăm phút hay nửa giờ sự thực tập có thể giải phóng bạn ra khỏi tâm sân hận và biến bạn thành một người dễ thương. Đây là sức mạnh của giáo pháp. Đây là mầu nhiệm của tu tập.

Trở thành một người tự do

Mỗi phút giây tu tập là mỗi phút giây chế tác năng lượng chánh niệm. Năng lượng chánh niệm không phải là đến từ bên ngoài mà đến từ bên trong. Năng lượng của chánh niệm giúp ta có mặt bây giờ và ở đây. Khi uống một chén trà hay tách cà-phê trong chánh niệm thì thân và tâm hợp nhất toàn hảo. Ta có thật và chén trà cũng có thật.

Khi vào quán ăn mà nhạc đệm ồn ào và trong óc đầy ắp dự án thì không thể uống trà thật sự. Ta đang uống những dự án, những lo âu chứ không phải uống trà. Ta không có thật và chén trà cũng không có thật. Chén trà chỉ thật sự có mặt khi nào ta thật sự có mặt, khi ta trở về với thân tâm, không còn bị ràng buộc bởi quá khứ, tương lai và lo âu. Khi ta có thật chén trà thành có thật và sự tiếp xúc của ta với chén trà mới có thật. Như vậy mới là đích thực uống trà. Chúng ta có thể tổ chức những buổi thiền trà để bạn bè có dịp thực tập có mặt để có thể cùng thưởng thức trà và cùng vui bên nhau. Thiền trà là một phép thực tập.

Một phép thực tập để có được tự do. Nếu tâm bận rong ruổi về quá khứ hay lo lắng cho tương lai, nếu trôi nổi trong những dự án hay trong sợ hãi, lo lắng, buồn giận thì không phải là người có tự do. Vì không thật sự có mặt bây giờ và ở đây cho nên sự sống không thật sự có mặt. Tách trà, người bạn ngồi trước mặt, bông hoa, trời xanh, mây trắng không thật sự có mặt. Muốn thật sự sống, muốn tiếp xúc sâu sắc với sự sống chúng ta phải có tự do. Thực tập chánh niệm giúp ta có tự do. Năng lượng chánh niệm là năng lượng của sự có mặt, của thân tâm hợp nhất. Khi thực tập hơi thở chánh niệm, thực tập bước chân chánh niệm thì ta sẽ không còn bị quá khứ, tương lai hay dự án ràng buộc, khi đó ta thật sự sống, thật sự có mặt. Tự do là điều kiện căn bản giúp ta tiếp xúc với trời xanh, mây trắng, với chim hót, thông reo, với tách trà tên tay hay với người thân trước mặt.

Vì vậy cho nên thực tập chánh niệm vô cùng quan trọng. Tuy nhiên đây không phải là một điều mà ta phải bỏ ra nhiều năm tháng thực tập. Chỉ cần một giờ thực tập là ta có thể trở nên chánh niệm hơn. Hãy thực tập để trở nên một người có tự do trong khi uống trà. Hãy thực tập để trở nên một người có tự do trong khi soạn bữa ăn sáng. Bất cứ giờ phút nào trong ngày cũng là một cơ hội để ta thực tập chánh niệm, để chế tác năng lượng chánh niệm.

4. Đánh giá nội dung sách Giận

“Giận”- cuốn sách chữa lành với ngôn từ gần gũi, nhẹ nhàng mà sâu lắng chắc chắn sẽ để lại những dư âm khó quên trong lòng bạn đọc.

“Giận” – sách hay nên đọc để chuyển hóa giận thành năng lượng tích cực. Qua sách, tác giả giải thích cho người đọc cách làm thế nào để có thể vượt qua những cảm xúc có thể làm nhiều người đau đớn, khổ sở. Ngoài ra, góc nhìn của Thích Nhất Hạnh, trong một nghĩa nào đó, mang màu sắc tâm lý, triết học khi  giúp người đọc nhận ra những cơn giận của họ ở tầm ý nghĩa rộng lớn, vừa tích cực vừa tiêu cực trong bối cảnh cuộc sống của con người nói chung.

Gấp lại cuốn sách, mong rằng chúng ta có thể tự mình từng bước thoát khỏi cơn giận và sống đẹp với xã hội quanh mình.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Giận - Thích Nhất Hạnh

Tóm tắt & Review sách Giận – Thích Nhất Hạnh

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Cảm nghĩ của bạn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây