Tóm tắt & Review sách Đám trẻ ở đại dương đen – Châu Sa Đáy Mắt

0
90
Đám trẻ ở đại dương đen

Tóm tắt & Review sách Đám trẻ ở đại dương đen – Châu Sa Đáy Mắt

1. Giới thiệu tác giả

Cuốn sách được viết bởi Châu Sa Đáy Mắt, một tác giả GenZ mong muốn cùng các bạn trẻ bộc bạch và vỗ về những xúc cảm chân thật về gia đình, xã hội và chính bản thân.

2. Giới thiệu tác phẩm

“Đám trẻ ở đại dương đen” là lời độc thoại và đối thoại của những đứa trẻ ở đại dương đen, nơi từng lớp sóng của nỗi buồn và tuyệt vọng không ngừng cuộn trào, lúc âm ỉ, khi dữ dội. Những đứa trẻ ấy phải vật lộn trong những góc tối tâm lý, với sự u uất đè nén từ tổn thương khi không được sinh ra trong một gia đình toàn vẹn, ấm êm, khi phải mang trên đôi vai non dại những gánh nặng không tưởng.

Song song đó cũng là quá trình tự chữa lành vô cùng khó khăn của đám trẻ, cố gắng vươn mình ra khỏi đại dương đen, tìm cho mình một ánh sáng. Và chính những sự nỗ lực xoa dịu chính mình đó đã hóa thành những câu từ trong cuốn sách này, bất kể đau đớn thế nào.

3. Tóm tắt sách Đám trẻ ở đại dương đen

Kẻ phản diện trong chính câu chuyện của mình

Trong đầu anh là một màn hỗn chiến anh tìm diệt kẻ làm tổn thương mình anh thấy nó trong những mảnh thủy tinh người duy nhất mà anh không hạ được.

Ừ thì, trong đầu mình lúc nào cũng là những trận chiến như thế. Có những ngày, mình quay cuồng trong cơn bão suy nghĩ chính bản thân tạo ra và vật vờ giữa những trạng thái chỉ ở đâu đó từ mức “tồi tệ” đến “tồi tệ” hơn. Mình muốn phản kháng, nhưng phản kháng không được. Mọi thứ không khác gì một cuộc chiến tranh tàn nhẫn và phi nghĩa khi cả hai bên chỉ nhắm mắt và cố gắng hủy hoại chứ không hề muốn tìm đến biện pháp thỏa hiệp. Mà bạn biết đấy, để kết thúc một cuộc chiến tranh, phải có một bên là kẻ phản diện, chào thua và nhận hết mọi lỗi lầm.

Mình phải tìm cho bằng được một người để đổ lỗi.

“Ai đã khiến mình trở nên như thế này cơ chứ?”

Có nhiều người từng làm tổn thương mình, nhưng chẳng hiểu sao những lúc tự hỏi mình như thế, câu trả lời chỉ có một. Chẳng hiểu sao, mình không tìm được ai thích hợp để trách cứ hơn là chính mình cả.

Tất cả những bất ổn và bức bối mà mình có, cuối cùng lại gom hết thành một lưỡi dao hướng thẳng vào bản thân, trong khi lẽ ra nó phải dọa sợ những người muốn tổn hại đến mình thì đúng hơn.

Và rồi, một ngày nọ, mình nhận ra, mình đã trở thành kẻ phản diện trong chính câu chuyện của mình.

Không ai ghét và làm đau mình hơn chính bản thân. Càng không ai cứ đứng hoài trong bóng tối và tự chặn đường sống của bản thân như cách mình đang làm với chính mình.

Tệ nhất là có người muốn kéo mình đến một nơi sáng sủa hơn, nhưng sau cùng mình lại làm tổn thương họ và đẩy họ ra xa. Mình không tự cứu, lại vừa không cho ai cứu mình.

Một vòng tròn tự hủy không có hồi kết.

Con chim gãy cánh

Con chim nằm cô độc trên lớp lá mục. Một chấm màu nâu giữa ngàn vạn điểm màu nâu, cam, đỏ khác của cánh rừng đang độ cuối thu. Không ai biết nó đã nằm đó từ lúc nào. Hiếm người nào lui tới phần rừng này thời điểm cận đông cả, mà ngộ nhỡ ai bước ngang qua đây, thì cũng trong trạng thái vội đến mức không kịp đảo mắt nhìn quanh đủ một vòng.

Vùng rừng này im ắng đến ngạt thở, đến tiếng vo ve của côn trùng hay tiếng xào xạc khi gió va vào cành lá cũng chẳng có. Phải chăng lần cuối cùng mà mọi vật thở hắt ra là vào mấy ngày trước khi có một đàn chim bay ngang qua mà trớ trêu thay, vì chúng đến nên bầy người mới phá lệ mà xôn xao vào rừng. Lần đó, họ cũng vội và mắt họ cũng chẳng đảo đi đâu ngoài dán chặt lên bầu trời cả.

Con chim đã từng là một phần của chuyến thiên di kia. Nó đã bay cho đến khi không còn bay được nữa.

Cánh của nó gãy rồi, mà đối với loài chim thì như vậy chẳng khác gì án tử cả. Một án tử từ từ và thảm thương – khi mà một giống loài sống cả đời trên cao, lúc chết phải nằm co quắp dưới mặt đất và chết dần chết mòn thế này. Thà đám thợ săn hay một con thú nào đó tìm thấy rồi kết thúc đời nó ngay lập tức thì đã đỡ khổ.

Những ngày đầu, con chim dùng hết sức bình sinh và tất cả phần thân thể còn nguyên vẹn để cố gắng bay lên. Nó chỉ rướn được đến tán cây sà gần mặt đất nhất, và càng ngày thì độ cao mà nó đạt được càng giảm sút. Nhưng ngoài việc tiếp tục thử đi thử lại, nó đâu còn làm được gì?

Con chim không biết bỏ cuộc, nhưng nó biết kiệt sức. Đến nay thì nó đã lịm đi, không vươn cổ lên gáy hay đập loạn một bên cánh nữa.

Con chim gãy cánh nên không còn bay được, nhưng nó vẫn mơ hồ muốn rời khỏi mặt đất bằng một cách nào đó. Mà cụ thể bằng cách nào thì nó chịu. Trước giờ nó có biết gì ngoài sống và bay đâu.

Nó không biết cách chết sao cho nhanh hơn một chút.

Nó không biết cách tự giải thoát cho mình.

Nát nhàu và xinh đẹp

Vẻ ngoài của mình đã thay đổi nhiều.

Đôi lúc mình phải chững lại và nhìn vào gương thêm vài giây, vì chưa quen với những gì mình đang thấy. Mình đã nhuộm một màu tóc khác, đã học đủ trò vẽ mặt, cũng đã tập trưng ra một thái độ bất cần và cứng cỏi hơn rồi.

Mình thay đổi tất cả những gì mình có khả năng thay đổi, cứ như thể thay đổi đến một mức độ nào đó đồng nghĩa với việc hồi sinh vậy.

Mình khát khao một khởi đầu mới.

Mình cố vẽ những đường nét đè lên tờ nháp đã nát nhàu. Mình biết dù mình vẽ đẹp đến đâu cũng không khiến tờ nháp phẳng phiu và chất đầy triển vọng trở lại, nhưng ít ra những mảng màu cũng thu hút phần nào sự chú ý của người khác. Rồi họ sẽ thôi để tâm đến những bất ổn đã nhuộm đen mọi thứ từ bên trong.

Từ lúc vào đại học, trong mắt nhiều người, mình là “con bé tóc hai màu”, “con bé kẻ mắt đẹp”, “con bé trong đội kịch, hay lên sân khấu hát hò”, chứ không còn như những ngày trước kia, là “cái bạn hay viết về mấy vấn đề sức khỏe tâm lý”, “con bé làm thơ buồn”, “con bé mắt lệ, hay khóc”, “cái bạn già trước tuổi, hay suy tư”.

Mà thôi, thế cũng tốt. Mình vẫn đang sống đúng với lộ trình mình đã đoán trước.

Mình vẫn đang rực rỡ.

Chỉ tiếc là mình không phải phượng hoàng, hay ngọn lửa như họ nghĩ.

Vẻ ngoài của mình đã thay đổi nhiều để tiệm cận với những hình ảnh đó, nhưng sâu bên trong, mình vẫn chỉ là con chim cánh gãy, là đám thiêu thân trong ánh sáng gần tàn.

Là một bản thể nát nhàu và xinh đẹp mãi cho đến khi rã rời và không chịu được những sự giày vò nữa.

Không có một khởi đầu mới hay sự thay đổi thật sự nào cả, chỉ có một điểm kết được che giấu cẩn thận đến nực cười.

4. Đánh giá sách Đám trẻ ở đại dương đen

Một cuốn sách mà mình nghĩ sẽ đồng cảm, an ủi được với những bạn đang có nhiều tổn thương về tâm lý, những bạn trải qua một tuổi thơ với nhiều vết xước.

Khi đọc cuốn sách này, mình thầm cảm thấy may mắn vì bản thân không phải chịu những nỗi đau đè nén, khó giãi bày, khó ai thấu hiểu này. Mình không biết được làm cách nào để những đứa trẻ ấy có thể thoát khỏi “đại dương đen” sâu thẳm, đen tối kia, họ đã phải đè nén và chịu đựng cảm xúc của chính mình ra sao.

Mình thầm mong rằng, những bạn ấy sẽ sớm tìm cho mình được thứ ánh sáng đủ mạnh, nâng đỡ các bạn vượt qua vũng lầy này.

Tóm tắt & Review sách Đám trẻ ở đại dương đen – Châu Sa Đáy Mắt

Cungdocsach

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Cảm nghĩ của bạn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây