Tóm tắt & Review sách Bức xúc không làm ta vô can – Đặng Hoàng Giang
Mục lục
1. Giới thiệu tác giả
Nhắc đến nền văn học đương đại Việt Nam chắc hẳn không thể thiếu Đặng Hoàng Giang, một trong những cây bút được yêu thích nhất. Ông lấy bằng Thạc sĩ chuyên ngành Công nghệ Thông tin tại Đại học Kỹ thuật Ilmenau (Đức), sau đó, ông tiếp tục lấy bằng Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế phát triển tại Đại học Công nghệ Vienna (Áo). Hiện tại, Đặng Hoàng Giang đã về Việt Nam và trở thành một nhà hoạt động xã hội tích cực chuyên nghiên cứu về xã hội dân sự và quản trị.
Đặng Hoàng Giang đã viết những cuốn sách có giá trị nhằm phổ biến những vấn đề mà ông quan tâm và nghiên cứu. Không những thế, những tác phẩm ấy cũng góp phần xây dựng môi trường tranh luận lành mạnh, kích thích tư duy phản biện ở mọi lứa tuổi.
2. Giới thiệu tác phẩm
Bức xúc không làm ta vô can được xuất bản năm 2015 bởi NXB Hội Nhà Văn, cuốn sách đã được nhiều bạn đọc quan tâm. Bằng lối văn chính luận sắc bén, cuốn sách phê phán một xã hội mà ở đó con người ta dễ dàng chê trách, chà đạp nhau chứ ít khi khen hay ủng hộ người khác. Từ đó, gợi mở ra những góc tối nhất trong những vấn đề nóng hổi đã và đang diễn ra trong đời sống xã hội.
3. Tóm tắt nội dung sách Bức xúc không làm ta vô can
Quan hệ giữa cá nhân và đám đông
Một đám đông có những yếu tố đặc biệt. Thứ nhất, trong đám đông, các thành viên của nó vô danh. Khác với lúc đứng riêng rẽ một mình, cái vô danh trong đám đông đem lại cho người ta một sự an toàn và cảm giác được bảo vệ nhất định. Thứ hai, đám đông gây phấn khích. Số đông cộng hưởng và tạo ra một năng lượng đặc biệt, một sự hưng phấn có sức lây lan lớn.
Sự hung hãn của người nghèo, những người ở dưới đáy xã hội tới từ cảm giác bất lực, ngoài lề, không làm chủ được cuộc đời mình. Họ thấy mình kém cỏi, vô giá trị. Cũng vì thế, khi đã ngấm cái say của một đám đông nổi loạn thì họ hân hoan như đang tham dự một cuộc vui điên dại.
Thế nhưng nếu người ta có quyền lợi trong xã hội, chắc chắn người ta sẽ bảo vệ xã hội đó, ngược lại họ sẽ vô thức phá hủy nó. Nên chúng ta hãy dành cho những người nghèo một phần tử tế của miếng bánh, một cảm giác xã hội là của họ, phục vụ họ. Một cảm giác thực sự chứ không phải chỉ trên các khẩu hiệu và văn kiện.
Vẻ đẹp của người đứng một mình
Sự ra đời của smartphone là một trong những phát minh rất có ý nghĩa. Nó giúp ta nhiều thứ nhưng việc lạm dụng nó khiến ta ngày càng tệ hơn. Một trong những tác hại của việc lạm dụng smartphone là sự chạy trốn bản thân. Không muốn đối diện với chính mình, tâm trí con người luôn lùng sục điều kích thích. Chiếc smartphone đã trở thành một ô cửa nhỏ dẫn người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân. Nhưng càng kết nối, càng online, thì cái đám đông rộn ràng kia lại càng làm chúng ta cô đơn hơn.
Đã tới lúc chúng ta cần tách ra khỏi đám đông, khước từ chuyên chế của nó. Người ta chỉ có thể lắng nghe tiếng nói bên trong mình nếu bỏ được ra ngoài sự ồn ào xung quanh. Chúng ta cần đứng riêng để tìm ra mình, để bảo vệ tư duy độc lập và nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm.
Quốc gia có tỉ phú đô la, nên vui hay buồn?
Việc chênh lệch giàu nghèo ở một mức nhất định nào đó trong xã hội là tự nhiên, thậm chí là cần thiết. Tự nhiên, vì tài năng, sức khỏe, sự chăm chỉ và may mắn được phân bổ không đồng đều giữa các thành viên trong xã hội. Cần thiết, bởi nó là động lực thúc đẩy và ban thưởng cho những người sáng tạo, chăm chỉ và chấp nhận rủi ro.
Tuy nhiên, sự chênh lệch giàu nghèo quá mức đem đến những mối nguy hại tiềm ẩn cho xã hội:
- Có hại cho tăng trưởng kinh tế.
- Ăn mòn hệ thống chính trị.
- Phá hủy gắn kết xã hội.
Tôn thờ sách là mê tín dị đoan
Cuộc sống đầy những khó khăn và rối ren, khi cần một lời khuyên, nhiều người chọn sách self-help. Bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam sau thời kỳ mở cửa, sách self-help, hay được gọi là sách tu thân, tự lực, tự giúp, vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ, nhưng người Việt đến với nó như nước chảy vào vùng xoáy.
Rất đáng tiếc, đưa sách dạy làm giàu và kỹ năng sống như những cuốn trên cho thanh niên, hay bất cứ ai cũng vậy, là gửi họ và cộng đồng vào con đường cụt, bởi những tác động tiêu cực của chúng. Cái tư duy tưởng như tích cực này làm cho những người nghèo bên lề xã hội cũng quay ra tự trách cứ bản thân, thay vì phê phán các tương quan và chính sách xã hội đẩy họ vào trạng thái này.
4. Đánh giá sách Bức xúc không làm ta vô can
Bức xúc không làm ta vô can đề cập đến những vấn đề gây tranh cãi và vẫn còn hiện diện từ xưa đến nay với những chủ đề quen thuộc như ăn thịt chó, nghiện mạng xã hội, câu like, phẫu thuật thẩm mỹ cho đến những chủ đề khá mới với độc giả Việt như lỗi của người nghèo, mặt trái của kinh tế thị trường,…
Với lối văn hài hước, châm biếm một cách nhẹ nàng, phê phán nhưng không phỉ báng, tác giả cũng đã nêu lên nhưng góp ý có tính xây dựng. Từ đó, người đọc sẽ biết cách ứng xử chừng mực, văn minh và có thể tiếp cận những hướng giải quyết đa chiều và sâu sắc. không chỉ thế, cuốn sách còn khơi gợi cảm hứng cho mọi người bắt tay vào xây dựng cho xã hội chứ không dừng lại ở việc bức xúc.
Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha |
Tóm tắt & Review sách Bức xúc không làm ta vô can – Đặng Hoàng Giang