Tóm tắt & Review sách Bài học vuông tròn – Tam Nguyệt Sở Ca

0
365

Tóm tắt & Review sách Bài học vuông tròn – Tam Nguyệt Sở Ca

1. Giới thiệu tác giả

Tam Nguyệt Sở Ca tên thật là Phan Triêu Tuyến. Hiện tại là biên tập tạp chí, nhà văn. Đã trải qua nhiều nghề nghiệp: công nhân, nhân viên văn phòng. giáo viên Ngữ văn, công chức nhà nước, phóng viên từng khởi nghiệp… nên có kiến thức trong nhiều lĩnh vực và kinh nghiệm sống phong phú.

2. Giới thiệu tác phẩm

Bài Học Vuông Tròn – hạnh phúc của đời người, một nửa nên tranh, nửa kia nên thuận.
Vuông – là cứng cỏi, kiên cường, quy tắc rõ ràng, lý trí đúng lúc
Tròn – là mềm dẻo, khéo léo, thấu hiểu nhân sinh, có lòng trắc ẩn.

Con người, sống “vuông” quá, duy lý quá thì dễ bị cái tôi và khuôn mẫu cứng nhắc tự giới hạn bản thân, còn để góc cạnh sắc nhọn của mình làm tổn thương người khác. Sống “tròn“ quá lại dễ bị cảm xúc đánh lừa lý trí, mặc người điều khiển.

Trên đời không có lối sống nào làm mẫu số chung cho tất cả, chỉ có cách mỗi người tự lựa chọn con đường của mình ra sao, dung hợp vuông – tròn thế nào, để tranh đúng thứ cho mình mà không ngáng đường người khác, thuận theo tự nhiên mà không phó mặc số phận.

3. Tóm tắt nội dung sách Bài học vuông tròn

☆ Người giỏi giang phấn đấu trong thầm lặng

Bạn có từng nghĩ rằng, mình đang ở một vị trí mà khó ai có thể thay thế, một vị trí mà dường như dành cho bạn không? Nếu bạn đang trong mình ý niệm như vậy thì hãy cùng mình đọc những chia sẻ của tác giả về vấn đề này nhé!

“Ở đời làm gì có gì không thể thay thế. Bạn cho rằng mình rất quan trọng chẳng qua là vì bạn vừa khéo ở vị trí đó, còn người khác chưa có cơ hội. Thực ra, khi bạn nghĩ rằng mình là người không thể thay thế, người khác cũng đang nhắm đến vị trí của bạn, rất nhiều người chỉ đợi cơ hội để chứng minh năng lực của bản thân … Thật ra, nhiều khi chúng ta ở vị trí nào đó đơn giản chỉ vì cơ hội đến với ta trước. Có rất nhiều người đang cạnh tranh xung quanh chúng ta, nếu như bản thân không thể tiếp tục tiến bộ, chắc chắn một ngày nào đó sẽ bị đào thải. Nhược điểm của con người chính là ưa nịnh, nhưng dù những lời nói đó có động lòng đến đâu cũng không thể thay đổi được sự tàn khốc ta phải đối mặt trong cuộc sống. Có rất nhiều nhân vật quan trọng được nhắc đến trong lịch sử, nhưng vòng quay lịch sử sẽ không ngừng lại vì cái chết của họ. Bởi vì dù là người quan trọng đến đâu, sau khi họ qua đời, thế giới sẽ dần dần quen với việc họ không tồn tại nữa… Đừng nên lúc nào cũng tự đắc, cho rằng mình tài giỏi, không ai có thể thay thế. Thực ra trên đời này không thiếu người cạnh tranh với bạn. Sự nghiệp hay tình yêu cũng vậy, bởi vì mạnh mẽ thì tồn tại còn yếu kém bị đào thải mới chính là quy luật của cuộc sống. Ai cũng có thể bị thay thế, lựa chọn duy nhất của chúng ta chính là thay thế bản thân của ngày hôm qua bằng một phiên bản tốt hơn.”

☆ Tử tế

Có lẽ, trên thế giới ai cũng đã từng bị phê bình, chê trách. Chúng ta chỉ khác nhau ở cách ứng xử và nhìn nhận việc đó. Nếu như bạn giống mình khi đối mặt với những lời phê bình còn ái ngại, xấu hổ thậm chí là bực tức không đành lòng thì hãy cũng mình đọc những chia sẻ của tác giả Sở Ca nhé, dẫu rằng nó không thể giúp chúng ta giải quyết triệt để những khó khăn khi tiếp nhận những lời phê bình nhưng mình tin là nó sẽ giúp chúng ta giảm bớt gánh nặng về vấn đề đó.

“Phê bình là một việc nguy hiểm, còn khen ngợi lại đem đến nhiều lợi ích. Ai cũng thích được khen, cho nên nhiều khi nịnh nọt trở thành con đường tắt trong đời. Tuy nhiên, thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng, khen ngợi có tác dụng khích lệ, nhưng sẽ khiến ta trượt dài trong thất bại nếu lỡ mắc sai lầm. Nếu có người luôn chỉ trích, gây khó khăn cho bạn, dù với mục đích gì, họ cũng chỉ có thể thỏa mãn ham muốn phù phiếm của mình mà thôi. Nhưng với bạn, nếu học được cách biến những chuyện không vui thành động lực thúc đẩy bản thân, sau cùng người được lợi sẽ là bạn. Trong cuộc sống, những người thích chen ngang, người quá nghiêm khắc hay đối thủ cạnh tranh… thường nói những lời khiến chúng ta khó chịu, ấm ức và buồn bực, nhưng hãy nhớ họ đều là “giáo viên” tốt trong cuộc đời. Đối thủ tốt nhất cũng chính là đồng đội tốt nhất, bởi vì họ là người có khả năng “đồng hành” cùng ta đến cuối con đường và “giúp” ta vươn tới đỉnh cao.

Bởi vậy, những người khiến ta không vui thật ra lại chính là “quý nhân” của cuộc đời. Họ giống như tấm gương không ngừng phản chiếu khuyết điểm của ta, khiến ta thoát khỏi sự kiêu ngạo mê muội, thúc giục bản thân tiếp tục tiến lên, hoàn thiện mình. Hãy xét lại lời nói và hành động của bản thân. Đừng căm ghét, thù hận những người khiến mình không vui. Khi có thể đối phó với những thách thức đến từ sự chỉ trích, phê bình nghiêm khắc và áp lực khi bị đối thủ đeo bám sát nút, ta sẽ trở nên tốt hơn.”

☆ Không có kỷ luật tự giác, đừng mơ đến tự do

Mình đã từng đọc một topic có nội dung là: “Bạn chọn ổn định hay tự do?” và mình chọn ổn định. Bản thân mình thì là người thích sự ổn định, mọi thứ đã được xếp sắp quy củ nên khi thấy chủ đề “Không có kỷ luật tự giác, đừng mơ tới tự do” mình cũng không tâm đắc lắm nhưng khi đọc xong mình mới nhận ra rằng hóa ra không chỉ tự do mới cần đến kỷ luật, tự giác mà để có được sự ổn định bạn cũng cần có điều đó. Mình sẽ trích dẫn tóm tắt chủ đề này để các bạn có thể tham khảo nhé!

“Theo đuổi ước mơ vốn là một việc rất tuyệt vời. Tôi tin rằng rất nhiều thanh niên ngoài kia đều đang khao khát được thực hiện ước mơ của mình. Nhưng với những người thiếu tính kỷ luật, cho dù họ có được tự do, đó cũng không phải con đường dẫn tới ước mơ, mà là khởi đầu của ác mộng. Con người cần bị ràng buộc bởi những yếu tố bên ngoài. Cũng giống như xã hội này nếu không có quy tắc sẽ mất kiểm soát. Con người thường bị ràng buộc theo hai kiểu. Một là do hoàn cảnh, ví dụ học sinh phải đi học, đúng giờ theo quy định của nhà trường, người lớn phải sống, làm việc theo quy định của cơ quan và các luật lệ trong xã hội. Điều này giúp cuộc sống trở nên nề nếp. Một kiểu rằng buộc khác đến từ chính sự tự giác của mỗi người. Người có tinh thần kỷ luật tự giác cao dù không bị ràng buộc bởi yếu tố bên ngoài cũng có thể thực hiện theo đúng kế hoạch mình đề ra chứ không buông thả bản thân.

Hầu hết mọi người đều chịu sự ràng buộc theo kiểu đầu tiên, còn những người có tính tự giác cao có thể dựa vào kỷ luật tự giác để trở thành nhà lãnh đạo, người đi tiên phong của cả thời đại. Có người nói rằng sự kiểm soát chỉ có thể ngăn ta trở nên tồi tệ, chỉ có sự tự giác mới giúp ta tốt hơn. Người thiếu sự tự giác rất khó kiểm soát lời nói và hành động của mình, nhất là khi họ thoát khỏi sự ràng buộc của môi trường xã hội. Lúc họ có được tự do cũng là lúc họ bắt đầu buông thả. Điều này chẳng những không giúp họ thực hiện ước mơ mà thậm chí còn khiến họ dần dần mất đi ý chí… Lười biếng, ham hưởng thụ vốn là điểm yếu của con người. Vì thế từ trước đến nay, các quy tắc, chế độ chưa bao giờ là điều xấu. Không có tính kỷ luật giác thì đừng nghĩ đến tự do. Điều này cũng giống như cánh diều và chú chim nhỏ, nếu chỉ là một cánh diều, không thể tự điều khiển bản thân thì nghĩ gì đến việc thoát khỏi sợi dây trói buộc mình. Nếu là một chú chim, ta có thể tự quyết định cuộc đời, là phiên bản tốt nhất của chính mình, giống như Bill Gates, Murakami Haruki hay Jack Ma.”

☆ Lúc quyết định chờ đợi cũng là lúc từ bỏ

Đây là một chủ đề mà mình nghĩ nội dung khá quen thuộc với mọi người nên không chia sẻ gì thêm nữa, mình sẽ trích dẫn một đoạn mình thích nhất trong chủ đề này để mọi người đọc nhé!

“Có những việc cho dù cảm thấy còn thiếu nhiều điều kiện, thời gian chưa chín muồi cũng đừng bao giờ chờ đợi, thực hiện được bao nhiêu hãy thực hiện bấy nhiêu. Cho dù không hoàn hảo như mong đợi ít nhất ta đã làm hết sức. Ngược lại, nếu cứ nhất quyết chờ đợi thời cơ đến, thành công sẽ ngày càng cách xa… Thời gian trôi qua, cảnh vật có lẽ vẫn vậy nhưng người đã khác. Thế giới này thay đổi từng ngày mỗi người đều đang trong quá trình thay đổi, có lẽ đến khi ta có thời gian, nhiệt huyết lúc đầu đã không còn hay khi có nhiệt huyết lại thấy lực bất tòng tâm… Ở độ tuổi ngoài đôi mươi, chúng ta không cần ngưỡng mộ những người trẻ thành công, Khi đến tuổi trung niên, chúng ta cũng không cần ghen tỵ với sự thong dong, điềm nhiên của người già. Đợi khi hội tụ đủ các điều kiện, có lẽ thời cơ tốt nhất cũng đã trôi qua. Thế nên, khi bản thân thực sự muốn thực hiện điều gì đó, cứ làm với tất cả những gì mình đang có, bằng tất cả sự nỗ lực và tập trung, làm tốt nhất có thể là được.”

Đọc xong đoạn này mới thấm lại câu: Không lúc nào thích hợp để cố gắng, nỗ lực, quyết tâm hơn là ngay bây giờ.

☆ Đừng coi thường những người dám bộc lộ khuyết điểm

Bạn sợ không dám bộc lộc khuyết điểm của mình, sợ sẽ bị người khác coi thường? Nếu thực là vậy, thì đoạn trích dẫn tóm tắt sau đây mình nghĩ sẽ giúp ích cho bạn đó.

“Thay vì dè dặt e sợ, không dám nói không dám làm, chi bằng mạnh dạn nói những gì muốn nói và làm những gì muốn làm. Mặt dày không đơn giản chỉ là một kiểu “tài năng”, mà còn là năng lực cạnh tranh mạnh mẽ. Không ít người thành công đều thừa nhận quan điểm này. Nhưng nhiều người lại coi trọng thể diện một cách thái quá. Thực ra, cố ngụy trang để giữ thể diện cũng đồng nghĩa với việc bạn đã tự hạn chế bản thân và từ bỏ rất nhiều cơ hội.

Ví dụ, nếu tỏ tình với người mình thích, ít nhất tỷ lệ thành công vẫn cao hơn khi không nói gì cả; nếu chia sẻ bài văn của mình, biết đâu sẽ tìm được vài người bạn tâm tình; nếu chủ động cạnh tranh trong công việc, cho dù không chiến thắng, ta cũng đã thể hiện và rèn luyện bản thân. Khi chúng ta ngừng tiến về phía trước chỉ vì thế diện, có lẽ những người không bằng chúng ta đã dũng cảm đứng ở vị trí đầu tiên. Cho dù họ không chiến thắng cũng đã được rèn luyện và tiến bộ.

Vậy nên đừng bao giờ xem thường những người dám bộc lộ khuyết điểm, họ có tiềm lực mà chúng ta không tưởng tượng nổi. Bởi vì không ngại bộc lộ khuyết điểm nên họ dám nói dám làm. Cho dù nói không hay, làm không tốt, ít nhất họ cũng đã rèn luyện bản thân. Điều tuyệt vời nhất thế gian không phải thể diện, mà là can đảm. Những người dám bộc lộ điểm yếu là những người dễ dàng thành công. Nguyên nhân sâu xa là vì họ hoàn toàn thả lỏng bản thân, rèn luyện để có trái tim kiên cường, dám đối diện với tất cả và có thể thản nhiên chấp nhận thực tế. Họ không chỉ tự tin mà còn bình tĩnh, luôn tỉnh táo và dứt khoát khi đưa ra quyết định. Bị từ chối cũng không có gì đáng xấu hổ, bởi vì trên thế giới này vốn dĩ không tồn tại việc “cầu được ước thấy”. Những người được chấp nhận rất nhiều lần cũng từng bị từ chối rất nhiều lần. Điều buồn nhất không phải là bạn bị từ chối, mà là bạn không đủ can đảm để đưa ra yêu cầu với người khác.”

4. Cảm nhận và đánh giá sách Bài học vuông tròn

Đây là một cuốn sách đáng đọc. Cả hình thức và nội dung mình đều rất ưng. Cuốn sách trình bày đẹp, rõ ràng hút mắt. Nội dung thì miễn bàn, các chủ đề mà sách khai thác đều khá mới, là tập hợp những bài học về lối cư xử khéo léo, vuông – tròn hòa hợp, để bạn biết tiến lui đúng lúc, hài lòng với bản thân mà không gây thù oán với thế giới và mỗi chủ đề đều có những câu chuyện thực tế đan xen nên rất thuyết phục.

Gấp lại cuốn sách, ta thấy được cuộc sống là sự tổng hòa của những thời khắc tươi đẹp và đen tối. Nhưng trên đời không có sự phân biệt ɾõ ɾàng giữa bi kịch và hỉ kịch, nếᴜ bạn có thể bước ra từ bi kịch, đó là hỉ kịch. Nếu bạn chìm đắm mãi tɾong hỉ kịch, đó là bi kịch. Trời tròn đất vuông, mong bạn thong dong giữa đôi dòng thuận nghịch.

Mong cho tâm hồn bạn ôn hòa, nhưng không bao giờ thỏa hiệp. Mong bạn không mơ mộng hão huyền nhưng lòng luôn hướng về phương xa. Mong bạn luôn có mục tiêu để theo đuổi, sống tốt mỗi ngày và luôn làm hết sức mình. Mong bạn giữ được tâm lương thiện nhưng không đánh mất nguyên tắc của bản thân. Mong bạn dù có thể hiện tài năng cũng không quên khiêm tốn.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Bài học vuông tròn

Tóm tắt & Review sách Bài học vuông tròn – Tam Nguyệt Sở Ca

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 5 Average: 5]
Cảm nghĩ của bạn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây