Tóm tắt & Review sách 10 quy luật cuộc sống – Catherine Nomura, Dan Sullivan

0
325

Tóm tắt & Review sách 10 quy luật cuộc sống – Catherine Nomura, Dan Sullivan

1. Giới thiệu tác giả

Dan Sullivan là người đồng sáng lập và là chủ tịch của The Strategic Coach (Tổ chức Huấn luyện Chiến lược, ra đời năm 1989). Đây là tổ chức chuyên huấn luyện cho các doanh nhân thành công đạt được nhiều bước tiến vĩ đại hơn nữa trên con đường phát triển doanh nghiệp. Với vai trò là nguồn sáng tạo chính của Chương trình Huấn luyện Chiến lược, Dan không ngừng phát kiến những phương pháp và cấu trúc mang ý nghĩa thực tiễn để giúp những người tham gia khoá học ngày một tự tin, nâng cao năng lực, có định hướng và tập trung hơn khi theo đuổi mục tiêu đề ra.

Trong cuộc sống, Dan không ngừng làm giàu cho vốn tri thức của mình, từ những vấn đề lịch sử, văn hoá, kỹ thuật cho đến các lĩnh vực về khoa học xã hội. Sự tiếp thu những ý tưởng mới không ngừng đã tạo cho ông một cái nhìn độc đáo, mang tính toàn cầu về những vấn đề xung quanh sự phát triển của cá nhân cũng như lĩnh vực kinh doanh.

Catherine Nomura trước hết là một thạc sĩ chuyên nghiên cứu sự phát triển của đời sống con người. Cô đam mê công việc này nhưng đồng thời cũng nhìn thấy rằng, kinh doanh là một phương tiện để hiện thực hoá những niềm đam mê của bản thân và có thể mang đến nhiều cơ hội tạo ra các giá trị tốt hơn. Sau khi lấy bằng MBA, cô tiếp tục làm việc, nghiên cứu, học tập tại những tổ chức chiến lược thúc đẩy sự phát triển của tương lai mỗi cá nhân thông qua hoạt động kinh doanh.

Catherine đã bị cuốn hút bởi những ý tưởng cùng phương pháp độc đáo của Dan Sullivan. Cô gia nhập tổ chức The Strategic Coach năm 1998 với mong muốn mở rộng hoạt động của tổ chức này đến với nhiều người hơn. Trong những năm qua, Catherine là đầu mối xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ huấn luyện chiến lược. Ngoài ra, cô còn tư vấn cho nhiều doanh nhân, giúp họ chuyển hoá tầm nhìn về sự phát triển thành hiện thực.

2. Giới thiệu tác phẩm

Có thể bạn đang trong giai đoạn lưng chừng của hành trình phát triển và đang tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo hơn, những nguồn động viên, hướng dẫn tốt hơn hoặc có thể bạn chỉ muốn mình có được các nguồn lực hỗ trợ trên con đường theo đuổi sự phát triển của riêng mình. Và sự thật là đa phần chúng ta đang phải đấu tranh với những vấn đề liên quan đến sự phát triển của bản thân ở nhiều thời điểm khác nhau trong cuộc đời. “10 Quy Luật Cuộc Sống” có thể hỗ trợ bạn trên con đường không ngừng hoàn thiện bản thân. Bạn có thể sử dụng chúng nhằm kiểm tra, đảm bảo mọi việc diễn ra theo đúng tiến trình và có thể điều chỉnh khi cần để có thể tiếp tục tiến bước. Hoặc bạn có thể nghiên cứu thật kỹ những quy luật để phát hiện những mặt tích cực mà mình cần cố gắng vươn tới.

3. Tóm tắt nội dung sách 10 quy luật cuộc sống

Cuốn sách gồm 10 mục với 10 quy luật cuộc sống được đúc rút một cách ngắn ngọn. Mỗi quy luật chia ra những nội dung nhỏ để bạn đọc có thể nắm bắt vấn đề sâu, theo mình thấy thì đó còn là các bước hướng dẫn để độc giả dễ áp dụng. Khi áp dụng vào công việc và cuộc sống, bạn đối chiếu hành vi của mình với các quy luật này dù cho mọi việc có diễn ra tốt đẹp, đó cũng là một hành động khôn ngoan và rất hiệu quả.

“QUY LUẬT 1: KHÔNG NGỪNG NỖ LỰC CHO MỘT TƯƠNG LAI TƯƠI ĐẸP

Một tương lai thành công, tươi đẹp luôn là điều mọi người thường xuyên nghĩ tới. Quá khứ đã trôi qua và dẫu có là những thất bại chăng nữa thì nó vẫn có ích cho chúng ta trên con đường đi tới tương lai, vì trong nó đầy ắp những kinh nghiệm để ta chiêm nghiệm dưới góc độ mới. Tất cả những kinh nghiệm quý báu này có thể trở thành nguyên liệu căn bản trong việc kiến tạo một tương lai tốt đẹp. Tiếp cận quá khứ với thái độ đón nhận sẽ mang đến cho bạn niềm khao khát về những trải nghiệm mới; bầu nhiệt huyết của bạn sẽ được nung nấu để quyết tâm thực hiện mọi điều bạn mong muốn.

Tương lai là tài sản của chính bạn, vì đó là những gì chưa xảy ra mà chỉ đang tồn tại trong suy nghĩ của bạn mà thôi. Điều đó có nghĩa nó tuỳ thuộc vào hành động của bạn hôm nay. Và hiển nhiên ai cũng muốn mình có một tương lai xán lạn, thành công. Nơi đó, bạn sẽ được phát triển toàn diện hơn cả những gì hiện tại đang có: học vấn cao hơn, đóng góp nhiều hơn, cơ hội tuyệt vời hơn, khả năng và sự hiểu biết sâu rộng hơn, tự tin hơn, giàu có hơn, giàu lòng trắc ẩn hơn, quan hệ cộng đồng rộng hơn…

Tất cả những điều này có thể còn kéo dài vô tận; nó chỉ bị giới hạn bởi trí tưởng tượng của bạn mà thôi. Hãy tin vào điều đó.”

“QUY LUẬT 2: KHÔNG NGỪNG TRAU DỒI KIẾN THỨC

Bạn có thể có nhiều kinh nghiệm và đã rất thành công trong quá khứ. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào đó thôi thì không thể đảm bảo bạn sẽ tiếp tục thành công và phát huy được hết năng lực trong suốt cuộc đời. Những kinh nghiệm bạn tích luỹ, nếu không được vận dụng vào thực tế thì nó cũng giống như những mảnh vỡ rời rạc không thể phát huy tác dụng.

Chúng ta nên biết rằng, người thông minh hơn là người có thể biến những sự kiện hoặc tình huống nhỏ nhất có được thành những đột phá trong suy nghĩ và hành động. Hãy xem cuộc đời như trường học và mỗi kinh nghiệm là một bài học. Bạn sẽ thấy việc trau dồi học hỏi này có ý nghĩa hơn bản thân những trải nghiệm của bạn rất nhiều.

Để có được một tương lai thành công và tươi đẹp, chúng ta phải không ngừng học hỏi, học hỏi ở ngay những kinh nghiệm mình có được. Tuy nhiên, để ứng dụng một cách hợp lý và hiệu quả, chúng ta phải đảm bảo nắm được thực chất của từng kinh nghiệm, bởi bản thân mỗi kinh nghiệm đều luôn tồn tại hai mặt: tích cực và tiêu cực.

Mặt “tích cực” là mặt có thể tạo động lực giúp bạn tiến bộ làm tăng khả năng và sự tự tin của bạn. Mặt “tiêu cực” thì ngược lại: những yếu tố sót lại của kinh nghiệm có thể kìm hãm hoặc triệt tiêu động lực của bạn.

Một khi xác định được đâu là hai mặt của mỗi kinh nghiệm, bạn hãy cố gắng học hỏi những phương pháp mới nhằm tối ưu hoá mặt tích cực và giảm thiểu hoặc loại trừ mặt tiêu cực. Bạn sẽ có được những kiến thức uyên thâm, trí tuệ mới mẻ và phương thức hành động hiệu quả hơn. Trong quá trình này, kinh nghiệm sẽ được chuyển hoá thành nguồn lực phát triển và bản thân nó cũng mang lại những ý nghĩa tích cực mới.”

“QUY LUẬT 3: KHÔNG NGỪNG CỐNG HIẾN VÀ SẺ CHIA

Không ngừng cống hiến và giúp đỡ nguời khác cũng là một yếu tố cần thiết cho sự phát triển của đời người. Càng thành công, bạn sẽ càng nhận được nhiều phần thưởng, nào là thu nhập cao hơn, những lời tán dương, danh tiếng, địa vị, quyền lực, nguồn lực và cơ hội. Có thể xem đây là những điều bạn hằng mong ước, đặt làm mục tiêu sống cho mình.

Tuy nhiên, nhiều khi chúng cũng có thể trở thành rào cản đối với sự phát triển của bạn. Chúng có thể khiến bạn ngủ quên trong chiến thắng; bạn sẽ mất đi sự tập trung cần thiết để có thể đóng góp nhiều hơn.

Cách duy nhất bạn có thể làm ngay lúc đó để đảm bảo cho những thành công của mình tiếp tục được nhân lên là không nên quan trọng hóa chúng.

Hãy nên xem chúng như những động lực giúp bạn phát triển thêm mà thôi. Đồng thời, hãy hướng cái nhìn quan tâm, sẻ chia đến những người xung quanh, tạo ra những giá trị mới cho mọi người, giúp họ nắm bắt cơ hội và định hướng để cùng nhau tiến bước. Bạn sẽ thấy rằng những phần thưởng giá trị hơn sẽ tự tìm đến và tương lai của bạn sẽ luôn đầy ắp niềm vui.

Sự cống hiến sẽ củng cố và mở rộng mối quan hệ của bạn với thế giới bên ngoài. Nhờ mối quan hệ này, bạn sẽ đuợc hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất cho quá trình thúc đẩy sự phát triển bản thân một cách toàn diện. Nếu không biết mở lòng ra với người khác, bạn sẽ rất dễ bị vướng vào vòng luẩn quẩn của những suy nghĩ mang tính ích kỷ cá nhân.

Thật ra, cống hiến cũng là một quá trình học hỏi, nó giúp bạn sống thật hơn với chính mình và với thế giới xung quanh. Hơn thế nữa, những hiểu biết và ý kiến đóng góp của người khác sẽ giúp bạn làm mới kiến thức của mình để tạo ra những giá trị ngày càng cao hơn.”

“QUY LUẬT 4: KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THÀNH TÍCH

Không ngừng nâng cao chất lượng thành tích là biểu hiện của một quá trình ngày càng phát triển. Đây là giai đoạn được xem là bước ngoặt có thể đưa bạn tiến xa hơn hoặc kìm chân bạn lại. Bởi lẽ, khi đạt được thành tích cao, bạn phải đứng trước hai lựa chọn.

Một là, bị cám dỗ bởi những lời tán dương và quên hết những việc cần làm kế tiếp.

Hai là, xem những lời tán dương đó như động lực thúc đẩy bạn phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được.

Trong mọi lĩnh vực, người gặt hái được thành công cao nhất bao giờ cũng là người luôn nỗ lực làm việc. Có thể xem đó như quá trình tự thân vượt qua chính những thành quả của mình để vươn lên nấc thang cao hơn nữa.

Tương lai không nằm ở vầng quang hào nhoáng của sự ngợi khen mà ở hành động và kết quả chúng ta đạt được từ hôm nay. Dù rằng chúng ta cũng hiểu sự ngợi khen sau mỗi thành công là điều hiển nhiên và ta đáng nhận được, trong nhiều trường hợp, nó còn có giá trị và hữu ích; tuy nhiên, đừng bao giờ đặt nó làm tâm điểm cho sự cố gắng.

Điều thật sự có ý nghĩa lúc này là hướng đến những mục tiêu kế tiếp để hoàn thành. Mục tiêu ở đây là luôn phấn đấu làm việc tốt hơn, biết trân trọng những gì mình đạt được, đồng thời, luôn nỗ lực để vươn xa hơn nữa. Muốn làm được như vậy, bạn phải không ngừng cố gắng hoàn thiện năng lực, nâng cao trình độ để tiến bước xa hơn.”

“QUY LUẬT 5: ĂN KHẾ TRẢ VÀNG

Mọi thành công mà chúng ta nhận được trong cuộc đời dù ít dù nhiều cũng không thể thiếu sự giúp đỡ của người khác hay sự hỗ trợ tích cực nào đó từ xung quanh. Thế nhưng, rất ít người nhận thức được điều này.

Người ta thường cho rằng những gì họ đạt được hôm nay là thành quả nỗ lực của riêng họ mà thôi. Họ tự coi mình là “cái rốn vũ trụ” và sống biệt lập với mọi người, kết quả là những thành công họ vừa đạt được sẽ bị bào mòn một cách nhanh chóng, và hơn nữa, sức sáng tạo và khả năng gặt hái thành công của họ cũng mất dần.

Hãy luôn nhớ rằng, mỗi chúng ta đều là một thành phần nhỏ trong tổng thể lớn của xã hội, của vũ trụ; nếu sống tách biệt, chúng ta sẽ bị đào thải. Do vậy, hãy trân trọng và biết ơn mọ i nguời, mọi sự kiện, mọi hoàn cảnh giúp bạn đi đến thành công.

Gửi những lời tri ân đến cuộc sống, đến những người không ngừng hỗ trợ bạn, sẽ tạo thêm cơ hội cho trí tuệ bạn phát triển và gặt hái được nhiều thành quả to lớn hơn. Cũng từ đó, bạn sẽ có thêm nguồn động lực để tạo ra nhiều giá trị hơn cho những người đã giúp đỡ mình.”

“QUY LUẬT 6: NỖ LỰC VÀ SỰ TẬN HƯỞNG

Thành công không phải là điều gì khó đạt được như nhiều người nghĩ, mà thật ra, chính con đường thúc đẩy chúng ta đi đến thành công và thái độ khi đạt được điều mình mong muốn mới quan trọng hơn cả. Bạn có cảm thấy thành công hôm nay mình đạt được chính là kết quả của quá trình làm việc nỗ lực, say mê bằng tất cả niềm vui, sự hào hứng. Và khi đi đến đích, bạn hân hoan đón nhận nó, sẵn sàng chung vui với thành quả đạt được? Nếu cảm nhận được điều đó, nghĩa là bạn đã tạo điều kiện cho nguồn năng lượng của sức sáng tạo và hành động trong bản thân mình sinh sôi.

Nhiều người từng suy nghĩ sai lầm rằng, thành công hay không chẳng liên quan gì đến niềm vui hay cảm hứng với công việc, và từ đó, họ không màng đến việc tạo cho mình cơ hội để tận hưởng thành quả. Họ sẵn sàng lao vào những công việc không có hứng thú gì, cũng chẳng quan tâm mấy đến việc cảm nhận thành công mình đạt được ra sao. Họ làm việc như một cái máy mà quên đi những cảm xúc của bản thân. Đó là dấu hiệu của việc suy thoái tinh thần và là biểu hiện của sự phát triển không bền vững.

Sáng tạo trong mọi lĩnh vực hoạt động có liên hệ mật thiết đến sự tận hưởng và vui chơi – động lực thường trực để tiến hành những công việc mới mẻ. Hãy làm mọi việc trong niềm yêu thích và hứng khởi, chắc chắn kết quả bạn đạt được sẽ còn tốt hơn nhiều.”

“QUY LUẬT 7: KHÔNG NGỪNG MỞ RỘNG SỰ HỢP TÁC

Khi mọi người làm việc với nhau có chung một mục đích, họ có thể đạt được những thành quả mà không một cá nhân nào khi tiến hành riêng lẻ có thể đạt được. Sự hợp tác với người khác sẽ đem đến cơ hội tạo ra những thành quả to lớn cho cuộc sống và thế giới.

Tuy nhiên, một số người sai lầm khi cho rằng, nếu họ cộng tác với người khác thì mọi người sẽ đánh giá thấp họ hoặc điều đó sẽ hạ thấp giá trị đóng góp của cá nhân. Ý thức về địa vị của những người này khiến họ đặt sự phát triển của mình lên trên mọi thứ, từ đó không thể hợp tác được với người khác.

Không ngừng nỗ lực để sự hợp tác trong công việc và cuộc sống ngày một bền vững hơn, bạn sẽ tìm ra những động lực và sự tương trợ kịp thời để gắn kết tài năng, cơ hội của cá nhân mình với tập thể? Một số người sinh ra đã có địa vị cao trong xã hội do thừa hưởng từ ông bà, cha mẹ.

Tuy nhiên, đối với hầu hết chúng ta, địa vị đến từ chính sự đóng góp và thành quả ta đạt được. Chẳng có gì sai khi có địa vị và được mọi người biết đến. Nhưng nếu mục tiêu chính của bạn là sự thành đạt và củng cố địa vị của mình, thì bạn đã tự tách mình ra khỏi yếu tố quan trọng cho sự thành công và phát triển sâu rộng hơn: Hợp tác với những người xung quanh.”

“QUY LUẬT 8: KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO SỰ TỰ TIN

Nhiều người đã khởi đầu sự nghiệp với rất nhiều ước mơ và bản lĩnh, nhưng ngay khi vừa chạm đến thành công, họ lại tìm kiếm sự an nhàn và thoải mái cho bản thân nhiều hơn là chuẩn bị bước tiếp những nấc thang mới. Thái độ này đã ru ngủ họ một cách có chủ đích; dần dần, họ đánh mất sự tự tin – điều từng giúp họ thành công. Cảm giác an nhàn và tận hưởng thành quả một cách thái quá là “thành phẩm phụ” không mong muốn của quá trình theo đuổi mục tiêu, và nếu để chúng trở thành mục đích chính thì chúng sẽ nhanh chóng cản trở sự phát triển của cuộc đời bạn.

Bạn hãy xem sự tận hưởng an nhàn như một bước tạm thời để xác lập những mục tiêu to lớn hơn. Không ngừng nỗ lực phấn đấu cho mục tiêu và thành tựu cao hơn mới là điều bạn cần xây dựng cho cuộc đời mình. Mọi sự phát triển đều đòi hỏi chúng ta phải vượt qua những giới hạn mà bản thân đã đạt được trước đây. Với khả năng này, sự tự tin sẽ giúp ta đón nhận những thử thách mới, giúp ta vượt qua nỗi sợ hãi, duy trì sự vận động liên tục, không ngừng khám phá tương lai tươi sáng hơn.”

“QUY LUẬT 9: KHÔNG NGỪNG VUN ĐẮP MỤC ĐÍCH SỐNG

Trong xã hội hiện nay, nhiều người bắt đầu sự nghiệp với mục tiêu chính là kiếm tiền. Về phương diện nào đó thì quả thật, tiền là thước đo rõ ràng nhất của thành công, sự thăng tiến, và nó là nguồn lực mà chúng ta có thể dùng để vươn lên những khả năng to lớn hơn.

Nhưng nếu có tiền mà không có mục đích sống tích cực thì sẽ là rào cản đối với sự phấn đấu vươn lên. Mục đích tích cực tạo nên ý nghĩa cuộc sống và giúp chúng ta định hướng cũng như tập trung tài năng, nỗ lực của mình hơn nữa. Đồng thời, nó cũng thu hút năng lượng từ người khác – những người có mục đích phù hợp với mục đích của bạn.

Hãy xem tiền như công cụ để đạt được mục đích sống lớn lao. Với quan điểm này, bạn sẽ thu hút được tất cả những nguồn lực và phần thưởng để kiến tạo nên một cuộc sống phong phú, giàu có và ý nghĩa. Vài người cho rằng ý kiến trên khá hay, nhưng có vẻ lý tưởng quá? Câu trả lời là không. Ngay trong môi trường kinh doanh, phát triển thành công bằng cách gia tăng mục đích của doanh nghiệp – chứ không phải số tiền kiếm được – là điều hoàn toàn khả thi.”

“QUY LUẬT 10: KHÔNG NGỪNG ĐẶT RA CÂU HỎI THAY VÌ CÂU TRẢ LỜI

Thời thơ ấu, chúng ta có rất nhiều điều tò mò muốn khám phá về thế giới, chúng ta thường hỏi rất nhiều. Bước vào giai đoạn thanh thiếu niên, chúng ta dần tiếp nhận những kiến thức từ thế giới xung quanh và từng bước định hình nhân sinh quan. Lúc trưởng thành, không ít chúng ta lầm tưởng rằng mình đã có hết mọi câu trả lời.

Thậm chí, một vài người còn luôn tin tuởng những điều họ biết là chân lý. Họ lấy sự hiểu biết của bản thân định vị cho mọi sự vật, sự việc xung quanh, và xem đó như một thứ vũ khí để tự vệ. Một cách vô tình, họ đã tự kìm hãm sự phát triển tự nhiên của bản thân trong việc nhận biết thế giới.

Mọi sự phát triển đều nằm trong phạm vi tiềm ẩn, những gì chúng ta đã biết tức là thuộc về quá khứ, những gì chúng ta chưa khám phá thì còn ở tương lai. Luôn luôn làm cho số lượng câu hỏi của mình rộng mở nghĩa là bạn đặt bản thân vào một tương lai phát triển hơn với những khả năng mới. Không có động lực nào mạnh mẽ hơn một câu hỏi.

Bởi vì, câu hỏi tạo nên những kích thích tác động đến não bộ khiến ta không thể phớt lờ nó. Nó như một khung trời mở cho chúng ta không ngừng tìm hiểu và tiếp nhận sự kiện. Nó khác hoàn toàn với một câu trả lời – gần như một dấu chấm hết cho mọi việc. Bây giờ, bạn muốn khám phá thế giới bằng những câu hỏi lớn hay chấp nhận câu trả lời như một sự an bài.”

4. Cảm nhận và đánh giá sách 10 quy luật cuộc sống

10 quy luật cuộc sống” được biên dịch từ cuốn The laws of Lifetime Growth của 2 tác giả Dan Sullivan và Catherine Nomura, cuốn sách này có thể hỗ trợ bạn trên con đường không ngừng hoàn thiện bản thân. Bạn có thể sử dụng chúng nhằm kiểm tra, đảm bảo mọi việc diễn ra theo đúng tiến trình và có thể điều chỉnh khi cần để có thể tiếp tục tiến bước. Hoặc bạn có thể nghiên cứu thật kỹ những quy luật để phát hiện những mặt tích cực mà mình cần cố gắng vươn tới.

Những quy luật này tỏ ra rất hữu ích cho những mục đích trên vì thường rất khó để nhận biết bạn có đang đi đúng đường hay không nếu chỉ đánh giá bằng cảm quan. Mỗi quy luật chia ra những nội dung nhỏ để bạn có thể nắm bắt vấn đề sâu và dễ áp dụng trong thực tế.

Khi áp dụng vào công việc và cuộc sống, bạn đừng quên đối chiếu hành vi của mình  với các quy luật này dù cho mọi việc có diễn ra tốt đẹp; đó cũng là một hành động khôn ngoan và hiệu quả. Khao khát được phát triển chung quy là tình yêu cuộc sống, là niềm hạnh phúc vì đã được sinh ra và theo đuổi niềm đam mê khám phá cuộc sống đến tận cùng. Khi bạn đã cam kết gắn những hành động của mình vào nguyên lý ẩn trong mười quy luật này, nghĩa là bạn đã sẵn sàng hòa nhập để sống hết mình với cuộc sống.

Và, xét cho cùng, còn có món quà tuyệt vời nào hơn thế để chúng ta có thể tặng cho mình và cho thế giới này.

Gấp lại cuốn sách, mong rằng bạn có thể phát hiện ra những mặt tích cực mà mình cần cố gắng vươn tới.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

10 quy luật cuộc sống

Tóm tắt & Review sách 10 quy luật cuộc sống – Catherine Nomura, Dan Sullivan

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Cảm nghĩ của bạn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây