Tóm tắt & Review sách 10 nghịch lý cuộc sống – Kent M. Keith Ph. D
Mục lục
- 1. Giới thiệu tác giả
- 2. Giới thiệu tác phẩm
- 3. Tóm tắt nội dung sách 10 nghịch lý cuộc sống
- Nghịch lý thứ 1: Người đời thường vô lý, không “biết điều” và vị kỷ. Nhưng dù sao đi nữa, hãy yêu thương họ.
- Nghịch lý thứ 2: Nếu bạn làm điều tốt, có thể mọi người sẽ cho là bạn làm vì tư lợi. Dù sao đi nữa, hãy làm điều tốt.
- Nghịch lý thứ 3: Nếu thành công, bạn sẽ gặp những người bạn giả dối và những kẻ thù thật sự. Nhưng dù sao đi nữa, hãy thành công.
- Nghịch lý thứ 4: Việc tốt bạn làm hôm nay sẽ bị lãng quên. Nhưng dù sao đi nữa, hãy làm điều tốt.
- Nghịch lý thứ 5: Thẳng thắn, trung thực thường làm bạn tổn thương. Nhưng dù sao đi nữa hãy sống thẳng thắn.
- Nghịch lý thứ 6: Người có ý tưởng lớn lao có thể bị đánh gục bởi những kẻ suy tính thấp hèn. Nhưng dù sao đi nữa, hãy luôn nghĩ lớn.
- Nghịch lý thứ 7: Người ta thường tỏ ra cảm thông với những người yếu thế nhưng lại đi theo kẻ mạnh. Nhưng dù sao đi nữa, hãy tranh đấu cho những người yếu thế.
- Nghịch lý thứ 8: Những thành quả mà bạn phải mất nhiều năm để tạo dựng có thể bị phát hủy trong phút chốc. Nhưng dù sao đi nữa, hãy cứ tiếp tục dựng xây.
- Nghịch lý thứ 9: Bạn có thể sẽ bị phản bội khi giúp đỡ người khác. Nhưng dù sao đi nữa, hãy giúp đỡ mọi người.
- Nghịch lý thứ 10: Bạn trao tặng cuộc sống tất cả những gì tốt đẹp nhất và nhận lại một cái tát phũ phàng. Nhưng dù sao đi nữa, hãy sống hết mình cho cuộc sống.
- 4. Cảm nhận và đánh giá sách 10 nghịc lý cuộc sống
1. Giới thiệu tác giả
Tiến sĩ Kent M. Keith có một tuổi thơ khá “lưu động”. Ông đã sống qua tất cả sáu tiểu bang khác nhau trên toàn nước Mỹ. Ông từng là một luật sư, một viên chức chính phủ liên bang, một nhà phát triển công nghệ cao, hiệu trưởng của một trường tư thục, một giảng viên đại học và là một nhà tổ chức cộng đồng. Hiện ông đang giữ chức Phó chủ tịch cấp cao của tổ chức YMCA tại Honolulu.
Kent M. Keith đã tốt nghiệp cử nhân trường Đại học Harvard, tốt nghiệp thạc sĩ trường Đại học Oxford, được cấp văn bằng ngành Nhật văn của trường Đại học Waseda, bằng luật sư của một trường đại học ở Hawaii và bằng tiến sĩ giáo dục học tại một trường đại học Nam California.
Tên tuổi Tiến sĩ Keith đã được đông đảo mọi ngưòi biết đến không chỉ ở nước Mỹ mà còn lan rộng ra tầm quốc tế ngay từ khi ông chỉ mới 19 tuổi. Ấn bản đầu tiên của 10 nghịch lý cuộc sống được nhà xuất bản Inner Ocean phát hành vào tháng 10 năm 2001 với đề tựa “Anyway: Đi tìm ý nghĩa cuộc sống trong một thế giói đảo điên”, và một phiên bản mói khác là “Anyway – những lời khuyên cuộc sống” do nhà xuất bản G. P. Putnam’s Sons phát hành vào tháng 4 năm 2002 đã trở thành những cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ, được hơn 20 quốc gia trên thế giới mua bản quyền chuyển ngữ. Anyway được mọi ngưòi đánh giá như một “classic” thời hiện đại cùng với tác phẩm “Good Luck” của Alex Rovira và Fernando Trias de Bes.
2. Giới thiệu tác phẩm
Tác phẩm nổi tiếng Anyway của tiến sĩ Kent Keith đã trở thành một cuốn sách kinh điển trên thế giới, được tất cả bạn đọc trên nhiều quốc gia yêu thích vì sự độc đáo của nó. Cuốn sách liên tục được bình chọn là một trong những tác phẩm bán chạy nhất qua nhiều thập kỷ từ khi ấn bản đầu tiên ra đời và đã được chuyển ngữ sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
Điểm đặc biệt nhất của tác phẩm Anyway – 10 nghịch lý cuộc sống chính là ý nghĩa sâu xa, độc đáo và thực tế của nó đã tác động đến nhiều đối tượng độc giả khác nhau, mang lại khoảng lặng cần thiết để suy nghĩ và định hướng một cách sống cao thượng và hết mình.
Bản thân tác giả – tiến sĩ Kent Keith – chính là một minh chứng cụ thể và xác thực cho cách sống trên. Ông đã viết và đã dành cả cuộc đời mình thực hiện theo những gì mình viết để ngày hôm nay, chúng ta nhìn vào ông như nhìn vào một tấm gương sáng, cùng nhìn nhận 10 nghịch lý cuộc sống của ông như là phương châm sống.
3. Tóm tắt nội dung sách 10 nghịch lý cuộc sống
Cuốn sách gồm 10 mục lớn với 10 nghịch lý cuộc sống được đúc rút. Trong mỗi mục, tác giả sẽ giải thích rõ nội dung, bày cho bạn đọc cách áp dụng nhưng đáng tiếc là mỗi mục lại không có những câu chuyện và bài học thực tế.
Nghịch lý thứ 1: Người đời thường vô lý, không “biết điều” và vị kỷ. Nhưng dù sao đi nữa, hãy yêu thương họ.
Ai trong chúng ta cũng đều có lần phạm phải sai lầm hoặc có những thiếu sót. Không ai trong chúng ta hoàn hảo. Ai cũng từng có đôi lần hành xử bốc đồng, thiếu suy nghĩ, thái quá hoặc làm những điều khiến bản thân sau này phải nuối tiếc và hối hận. Vậy vào những lúc đó, phải chăng chúng ta không còn là những con người đáng được quý trọng? Chúng ta không nên để cho những lỗi lầm, những thiếu sót ấy chi phối tình cảm yêu thương của mình đối với chính mình và những người xung quanh, cũng như làm ảnh hưởng đến việc đón nhận tình cảm tốt đẹp đó của mọi người.
Nói thế không có nghĩa là bạn hay tôi có quyền tự bằng lòng với bản thân vì chúng ta có được điều mà mình cần, đó là tình cảm của những người xung quanh. Thay vào đó, chúng ta phải không ngừng phấn đấu để trưởng thành và hoàn thiện mình hơn, để bản thân ngày một xứng đáng hơn với những tình cảm tốt đẹp đó. Và để làm được điều này, bạn chỉ có thể thực hành chúng trong các mối quan hệ mà trong đó, bạn biết quan tâm đến mọi người cũng như được sống trong tình yêu thương của họ.
Nghịch lý thứ 2: Nếu bạn làm điều tốt, có thể mọi người sẽ cho là bạn làm vì tư lợi. Dù sao đi nữa, hãy làm điều tốt.
Sự thật là tất cả chúng ta đều như thế. Tôi hay bạn đều không tránh khỏi những giây phút phải đối mặt với câu hỏi: “Anh ta là người tốt thật sự hay chỉ là một kẻ đạo đức giả?”, hoặc chúng ta cũng thường có cái nhìn đầy ác cảm khi cho rằng những ai hay giúp đỡ mọi người chính là những kẻ thích “chõ mũi” vào chuyện của người khác.
Nhưng chỉ cần ý thức được những gì mình đang làm là hoàn toàn đúng đắn thì chúng ta hãy cứ mạnh dạn hành động. Vì tất cả những điều đó mà tôi mới có thể nói rằng thế giới chúng ta đang sống là một thế giới hỗn loạn, chứa đầy những điều nghịch lý. Con người sẽ không bao giờ thôi nghi ngờ, nhưng dù sao đi nữa thì bạn vẫn cần phải làm những gì mà bạn cho là đúng. Đó là cách giúp bạn tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, vì bạn được sống thật và sống hết lòng với bản chất của mình mà không hề chịu tác động bởi lòng nghi kỵ và lối suy diễn vô căn cứ.
Nghịch lý thứ 3: Nếu thành công, bạn sẽ gặp những người bạn giả dối và những kẻ thù thật sự. Nhưng dù sao đi nữa, hãy thành công.
Tình bạn muôn đời vẫn được xây dựng dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Tình bạn càng chân thành thì niềm tin càng vững chắc. Chính vì vậy, sẽ có những kẻ nhân danh tình bạn để lợi dụng bạn, điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Vì thế, việc bạn cần làm là hãy sáng suốt để đừng vô tình đánh mất một tình bạn trong sáng, nhưng đồng thời cũng phải cẩn trọng để không trở thành nạn nhân cho chính thành công của mình.
Bạn không nên chạy trốn hay lẫn tránh những mối quan hệ mà bạn cho rằng không phải là một tình bạn chân thành. Bạn có thể nhìn nhận mối quan hệ đó là một sự lợi dụng lẫn nhau, cũng có thể xem đó là sự cộng tác ăn ý và thân thiện để đôi bên cùng có lợi. Nếu họ không nhìn thấy ở bạn bất kỳ giá trị nào khác ngoài quyền lực, chức vụ, sự giàu có… thì đó chính là thiếu sót và thiệt thòi của họ.
Về phía bạn, hãy cố gắng tận dụng những cơ hội có được từ thành công của mình để nhìn con người và sự việc một cách thấu đáo, từ đó có thể tìm cho mình những đối tác phù hợp và xứng đáng. Nếu không thành công, hẳn bạn sẽ không có được nhiều sự lựa chọn như vậy. Vì thế, dù gì đi chăng nữa thì bạn hãy cứ nỗ lực để thành công.
Điều quan trọng nhất vẫn là việc bạn phải biết quý trọng những mối quan hệ tốt đẹp với gia đình bạn bè lâu năm, vì họ chính là những người đã luôn ở bên bạn từ khi bạn chẳng có gì ngoài bản thân mình.
Hãy mạnh dạn đi tìm ý nghĩa của cuộc sống của mình. Hãy cứ làm những điều bạn muốn, những điều mà bạn cho là cần thiết, và hãy đón nhận tất cả những thành quả đó mặc cho điều gì xảy ra đi nữa.
Nghịch lý thứ 4: Việc tốt bạn làm hôm nay sẽ bị lãng quên. Nhưng dù sao đi nữa, hãy làm điều tốt.
Khi bạn làm điều đúng đắn, người đầu tiên và cũng là người duy nhất cần biết và ghi nhớ về hành động đó chính là bản thân bạn, bởi nhận thức ấy, ký ức ấy sẽ là nền tảng giúp hình thành ý nghĩa cuộc sống của chính bạn. Dù người đời có ghi nhận một vài việc tốt bạn đã làm thì sự ghi nhận đó rồi cũng sẽ bị lãng quên theo thời gian. Giá trị của một hành động không nằm ở việc nó có được thừa nhận hay không mà chính là hành động ấy đã khiến bạn tự hào với chính bản thân mình như thế nào.
Hãy tự hỏi xem mỗi điều tốt bạn làm là một hành động thuộc bản năng, là lời mách bảo của lương tâm, của lý trí biết phân biệt đúng sai hay chỉ là một sự tính toán? Nếu đã có câu trả lời thì bạn hãy tiếp tục nghĩ xem việc “được ghi công” liệu có phải là phần thưởng quý giá nhất mà bạn cần hay không.
Nghịch lý thứ 5: Thẳng thắn, trung thực thường làm bạn tổn thương. Nhưng dù sao đi nữa hãy sống thẳng thắn.
Khi chúng ta đối xử với nhau bằng sự chân thành và thẳng thắn, chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng được những mối quan hệ bền vững, bởi chỉ khi đó, chúng ta mới thực sự hiểu về nhau. Không có những điều đó, chúng ta sẽ trở thành những kẻ ngu ngơ, ngờ nghệch, vô tình gây tổn thương cho chính mình và cho cả những người khác.
Niềm tin, muôn đời vẫn là nền tảng vững chắc của mọi mối quan hệ. Và chắc chắn một điều rằng bạn không thể xây dựng niềm tin bằng cách che giấu những cảm xúc, những nghĩ suy, niềm hy vọng hay nỗi sợ hãi của mình. Bạn chỉ có thể vun đắp cho niềm tin ấy bằng sự sẻ chia, bằng cách sống chân thành và thẳng thắn.
Dĩ nhiên, việc cư xử sao cho khéo cũng là điều hết sức cần thiết. Có những sự thật không phải lúc nào cũng có thể nói ra; và có cả những điều nếu bị tiết lộ thì không những chẳng có ý nghĩa gì mà còn làm hại đến người khác. Vì vậy, bạn cần phải thận trọng cân nhắc, đừng để sự thẳng thắn của mình chỉ là một hành động muốn chứng tỏ.
Sự cẩn mật cũng là một trong yếu tố quan trọng để thúc đẩy niềm tin, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Nhưng sự tế nhị, thận trọng và cẩn mật không thể là cái cớ để bạn thôi không làm người chân thành và thẳng thắn nữa.
Như đã nói, hãy chỉ nói sự thật. Đúng vậy, sự thẳng thắn còn đồng nghĩa với hành động tự phơi bày bản thân, tạo cơ hội cho người khác hiểu rõ về bạn, và vì thế mà họ cũng sẽ dễ dàng làm hại bạn. Khi bạn bước ra khỏi bức tường bảo vệ, tức là bạn đã để cho mọi người thấy rõ bạn là ai và bạn trông như thế nào.
Nghịch lý thứ 6: Người có ý tưởng lớn lao có thể bị đánh gục bởi những kẻ suy tính thấp hèn. Nhưng dù sao đi nữa, hãy luôn nghĩ lớn.
Thế giới cần lắm những con người vĩ đại với nhân cách lớn, độ lượng, tận tụy, sống có nguyên tắc, những con người dám dấn thân theo đuổi những phương thức hoàn toàn mới, biết trân trọng và nắm bắt cơ hội, những người có khả năng nhìn thế giới khác hẳn so với hiện trạng của nó … Thế giới cũng rất cần những cá nhân có khả năng đưa ra ý tưởng có tính đột phá, có thể tạo nên sự khác biệt để đưa nhân loại tiến thêm những bước mới.
Nhưng trớ trêu thay, những con người có ước vọng mang lại một ngày mai tươi đẹp cho nhân loại trở thành mối đe dọa và nỗi khiếp sợ đối với những kẻ tầm thường. Những kẻ tầm thường ấy không hẳn là người xấu, cũng không hẳn là loại người “cặn bã” của xã hội, mà trái lại, họ có thể là những người có học thức, có địa vị, có một cuộc sống ấm no, thậm chí có người còn được tuyên dương là những công dân gương mẫu… Nhưng điểm hạn chế ở họ chính là một tầm nhìn hạn hẹp, thiển cận. Đối với họ, cuộc sống chỉ là những gì xuất hiện trước mắt, và họ hoàn toàn hài lòng với một cuộc sống như vậy. Chính vì thế mà họ không hề muốn cuộc sống ấy bị thay đổi hay xáo trộn. Dưới cái nhìn của họ, sự thay đổi chẳng hứa hẹn điều gì tốt đẹp cả. Tất cả những gì họ nhìn thấy chỉ là bản thân, công việc và những mục tiêu mà họ đang cố gắng theo đuổi. Họ chỉ bám vào sự việc dựa trên hiện tượng bên ngoài của nó mà không hề hiểu lý do vì đâu nó trở nên như vậy. Họ cũng không muốn đề cập đến việc làm thế nào để mọi thứ tiến triển tốt đẹp hơn, bởi theo họ thì được như hiện tại đã là quá đủ.
Nghịch lý thứ 7: Người ta thường tỏ ra cảm thông với những người yếu thế nhưng lại đi theo kẻ mạnh. Nhưng dù sao đi nữa, hãy tranh đấu cho những người yếu thế.
Theo định nghĩa thì người yếu thế là người phải chịu thiệt thòi hoặc bị dồn vào thế bất lợi. Họ không có quyền lực, không có sức mạnh vật chất, không danh tiếng hoặc thậm chí là không khỏe mạnh như một người bình thường.
Hàng triệu người trên thế giới đang phải gánh chịu những số phận như vậy. Họ bị giày vò bởi cái nghèo, sự kỳ thị sắc tộc. những dị tật bẩm sinh… Họ không có điều kiện để nhận được một nền giáo dục căn bản cũng như không được chăm sóc sức khỏe hợp lý. Đó chắc chắn không phải là lựa chọn của họ hay bất kỳ ai. Nhưng đó là một thực tế không thể tránh khỏi, và những người gánh chịu nó luôn phải chịu thiệt thòi.
Việc giúp họ tranh đấu vì chút quyền lợi nhỏ nhoi tuy không dễ dàng, nhưng đó là điều mà chúng ta có thể làm, và nó hoàn toàn xứng đứng. Lẽ thường, chúng ta vẫn có khuynh hướng cảm thông cùng những người cô thế. Chúng ta thường tỏ ra bất bình trước những bất công, khó khăn mà họ phải đối mặt. Chúng ta thích những câu chuyện với một kết thúc có hậu khi mà người yếu thế có thể vượt qua mọi trở ngại, thử thách để giành được thắng lợi cuối cùng. Và chúng ta vẫn luôn cầu mong hạnh phúc sẽ đến với họ. Nhưng không mấy ai trong chúng ta dám mạo hiểm, hy sinh bản thân mình vì người khác.
Trớ trêu hơn, khi lên tiếng bảo vệ người cô thế thì chúng ta đã tự biến mình thành kẻ đáng thương thứ hai, đặt cược cả tương lai, sự nghiệp và danh dự của mình… Vì vậy, trong rất nhiều trường hợp, trái tim chúng ta vẫn hướng về họ nhưng lý trí lại lựa chọn một con đường khác. Chúng ta thuận theo số đông, muốn tránh xa điều tiếng, và cứ thế mà sống trong vô cảm.
Nghịch lý thứ 8: Những thành quả mà bạn phải mất nhiều năm để tạo dựng có thể bị phát hủy trong phút chốc. Nhưng dù sao đi nữa, hãy cứ tiếp tục dựng xây.
Không may là nghịch lý này hầu như xảy ra mỗi ngày. Chúng ta vẫn thường chứng kiến những cảnh tượng luôn là nỗi ám ảnh của mọi người như cháy nhà, bị phá sản, sản nghiệp tiêu tan, sự tàn phá của lũ lụt, hạn hán… Tất cả đều đột ngột ập đến, trút xuống chúng ta mọi tai ương thảm họa. Chỉ trong tích tắc, chúng có thể hủy hoại toàn bộ những gì mà chúng ta đã phải mất nhiều năm gầy dựng.
Bản thân tôi rất khâm phục sự quả cảm cũng như sức mạnh tinh thần của những người có thể đứng lên sau những mất mát như vậy, bởi nỗi đau, sự thất vọng ấy đã vượt ngưỡng chịu đựng của con người. Không ít người đã từng là nạn nhân của thực tế phũ phàng này. Xét cho cùng thì những gì bạn phải mất bao công sức để dựng xây cũng không thể tồn tại mãi. Một lúc nào đấy, có thể chỉ sau một đêm, chúng sẽ rời xa bạn.
Nhưng dù thế nào đi nữa, chúng cũng chính là thành tựu của bạn, và chúng hoàn toàn xứng đáng để bạn hết lòng. Một điều may mắn là những thành quả mà chúng ta vất vả tạo dựng, tuy có thể sụp đổ nhưng thời gian tồn tại của chúng không ngắn ngủi như những lâu đài trên cát.
Nghịch lý thứ 9: Bạn có thể sẽ bị phản bội khi giúp đỡ người khác. Nhưng dù sao đi nữa, hãy giúp đỡ mọi người.
Chúng ta hiểu được đó là những việc nên làm, và vì thế, chúng ta thực hiện theo lời mách bảo của lương tâm chứ không phải xuất phát từ ý nguyện muốn được đền đáp. Tình yêu không nên là thứ khiến con người bị dày vò và chìm trong đau khổ mà ngược lại, nó phải mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho cả người nhận lẫn người cho.
Phần lớn chúng ta đều có lúc cần đến sự giúp đỡ của người khác. Cuộc sống là muôn màu, vì thế, không phải lúc nào chúng ta cũng biết cách xoay xở mọi thứ. Biết được khi nào cần đến sự giúp đỡ, và biết tìm kiếm sự giúp đỡ nơi đâu, đó là những yếu tố cơ bản cho sự sinh tồn và hạnh phúc của mỗi người.
Một số người vẫn luôn chối từ sự giúp đỡ vì không thích cái cảm giác bản thân mình bất lực, phải nhờ cậy vào người khác. Số khác tuy không khước từ, nhưng điều đó khiến họ vô cùng buồn bực vì họ cảm thấy lòng tự tôn của mình bị tổn thương. Vì vậy, có những lúc bạn hào phóng ban tặng sự giúp đỡ cho những người đang thật sự cần nó, nhưng đừng quá ngạc nhiên vì họ có thể sẽ đáp lại lòng tốt của bạn bằng những hành động khác thường như phản kháng, công kích, cáu gắt hay những phản ứng khiến bạn bị tổn thương.
Tất cả những biểu hiện đó, nếu có, là do họ đang phải vật lộn với lòng tự tôn cũng như sự kiêu hãnh của chính mình. Họ đang tìm mọi cách né tránh thực tế rằng mình đang trong trạng thái bế tắc, rằng mọi việc đang diễn ra không mong đợi.
Vì vậy, hãy cân nhắc, thận trọng với thịnh tình của chính mình. Nếu muốn giúp đỡ cho một ai đó, trước hết, bạn phải học cách thể hiện thiện chí bởi điều họ cần ở chúng ta không phải sự thương hại mà là sự cảm thông. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ, nghĩ thay họ và làm tất cả những gì trong khả năng của bạn.
Nghịch lý thứ 10: Bạn trao tặng cuộc sống tất cả những gì tốt đẹp nhất và nhận lại một cái tát phũ phàng. Nhưng dù sao đi nữa, hãy sống hết mình cho cuộc sống.
Thế giới không đòi hỏi bạn phải luôn thể hiện mình, luôn nghĩ về người khác mà bỏ quên bản thân. Thế giới cũng không đòi hỏi bạn phải luôn cống hiến. Nhưng nếu muốn sống một cuộc sống đầy ý nghĩa, hãy nắm bắt tất cả những cơ hội để cống hiến sức mình, và nếu có thể, hãy tạo ra chúng. Hãy cho đi để thấy được mình đang có những gì. Đừng xem việc giúp đỡ người khác là một sự hy sinh mà hãy nghĩ rằng đó là cơ hội để thể hiện con người, năng lực và giá trị của bạn.
Mỗi người khi sinh ra vốn dĩ đã là một cá thể độc đáo. Mỗi chúng ta đều có những giá trị nhất định đối với bản thân, cộng đồng và xã hội. Vì vậy, chúng ta đều luôn trong tư thế sẵn sàng để cống hiến. Nếu không cống hiến hết mình cho thế giới này, vậy phần bạn giữ lại đó, bạn định sẽ dâng tặng cho một thế giới nào khác chăng?
Cuộc sống chính là món quà mà đấng sinh thành đã ban tặng cho bạn. Hãy sống xứng đáng để món quà ấy càng ý nghĩ hơn. Hãy sống hết mình và hành động theo những gì mà cá tính, lương tâm, nhận thức của bạn mách bảo. Thế gian đáp lại bạn như thế nào, điều đó cũng không quan trọng. Bởi hơn ai hết, bạn biết rõ mình đang làm gì, và bạn cũng đã tận hưởng được hương vị của một cuộc sống đích thực. Được sống với bản chất của chính mình luôn là điều ý nghĩa nhất khiến cuộc đời này trở nên thi vị.
4. Cảm nhận và đánh giá sách 10 nghịc lý cuộc sống
Đây là một cuốn sách khá thú vị, qua cuốn sách tác giả muốn chia sẻ những suy nghĩ và trải nghiệm của mình về những điều mà ông đã dành hết tâm huyết để tìm hiểu – đó là hành trình đi tìm ý nghĩa của bản thân mỗi chúng ta trong cuộc sống. Bạn sẽ tìm thấy bên trong cuốn sách những phân tích rất giản dị nhưng đầy sức thuyết phục và vô cùng sâu sắc, được diễn đạt bằng ngôn ngữ của trái tim. Quan trọng hơn, nó sẽ giúp bạn nhận ra đâu là ý nghĩa thật sự của cuộc sống, và chỉ khi đó, bạn mới thấy – dù bất cứ điều gì xảy ra – cuộc đời này vẫn thật đáng sống.
Đây là quyển sách mình mua lúc học cấp 2, lúc đó khi đọc mình chưa hiểu được nhiều, đến giờ khi đã trưởng thành hơn, mình đọc lại một lần nữa thì ngộ ra khá nhiều điều, và mình tin rằng sau này khi bước ra xã hội, mình sẽ có cái nhìn mới hơn về nội dung của sách. Bởi lẽ đời luôn tồn tại những nghịch lý, ta cần hiểu rõ về nó để có cách sống cho thích hợp. Mình nghĩ cuốn sách sẽ rất phù hợp và nên đọc với những bạn 17+.
Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha |
Tóm tắt & Review sách 10 nghịch lý cuộc sống – Kent M. Keith Ph. D