Tóm tắt & Review Bánh mì thơm, cà phê đắng – Ngô Thị Giáng Uyên
Mục lục
1. Giới thiệu tác giả
Ngô Thị Giáng Uyên sinh ngày 25-7-1981. Cô tốt nghiệp đại học Ngoại Thương TP. Hồ Chí Minh vào năm 2002.
Ngô Thị Giáng Uyên là một cây bút trẻ nhưng rất chững chạc. Viết truyện hay viết báo không phải là nghề nghiệp chính của cô mà là cách Giáng Uyên ghi lại những trải nghiệm thú vị và những xúc cảm của bản thân mình.
Ngô Thị Giáng Uyên là tác giả của nhiều tác phẩm khá nổi tiếng với giới trẻ như:
- Ngón tay mình thơm mùi oải hương (2006)
- Sống xanh (2008)
- Bánh mì thơm, cà phê đắng (2010) Review Bánh mì thơm cà phê đắng
2. Giới thiệu tác phẩm
Bánh mì thơm, cà phê đắng ra mắt lần đầu tiên vào tháng 7 năm 2010, do nhà xuất bản Trẻ phát hành. Đây là tập sách tản văn, tản mạn về ẩm thực Châu Âu.
Sách được viết theo ngôi kể thứ nhất, từ điểm nhìn và trải nghiệm thực tế của tác giả. Vì vậy, những câu chuyện tản mạn nhỏ trong cuốn sách thu hút sự chú ý của số lượng lớn độc giả.
3. Tóm tắt nội dung
“Bánh mì thơm, cà phê đắng” bao gồm 14 chương. Ngoại trừ chương đầu tiêu mang tính chất nhận định và tổng hợp, các chương còn lại mỗi chương đề cập đến một nét ẩm thực khác nhau, một món ăn hoặc thức uống khác nhau ở vùng đất Châu Âu mà tác giả có dịp trải nghiệm. Review Bánh mì thơm cà phê đắng
Chương 1: Lan man ẩm thực trời Âu
Chương 1 giới thiệu về Ngô Thị Giáng Uyên và quá trình cô hoàn thành tác phẩm “Bánh mì thơm, cà phê đắng”.
Giáng Uyên có cơ hội đi đến nhiều nước ở Châu Âu và khám phá ẩm thực vừa là một thú vui vừa là những trải nghiệm ý nghĩa.
Các bài viết của cô về các món ăn, thức uống trong tập sách này không hẳn là một hệ thống rạch ròi và chi tiết về ẩm thực Phương Tây mà nó nghiêng về tản mạn, suy nghĩ, chia sẻ của cô đến độc giả.
Ngoài ra, xuyên suốt các chương sách, Giáng Uyên vẫn khẳng định rằng, thức ăn Việt, ẩm thực Việt và đồ ăn mẹ nấu vẫn là ngon nhất trên đời. Review Bánh mì thơm cà phê đắng
Chương 2: Phong cách bánh mì
Theo Giáng Uyên, bánh mì là một món ăn giản dị nhưng mỗi nơi đều có một phong cách bánh mì riêng. Và mùi hương bánh mì nóng mới ra lò cho cô niềm vui và cảm giác choáng váng như những lần đầu hẹn hò với người yêu mới.
Thời gian tác giả mới sang Anh quốc, cô ở cùng nhà với hai anh bạn người địa phương và được trải nghiệm những bữa tiệc barbeque nho nhỏ trong vườn nhà. Món ăn đơn giản là thịt nướng than, xúc xích được kẹp vào bánh mì. Khi ấy, cô kể cho hai cậu bạn nghe giai thoại vui vui về chiếc bánh mì nóng của người Việt Nam vẫn truyền tai nhau.
Từ bánh mì bên trời Tây, Giáng Uyên hồi tưởng về hương vị bánh mì Việt Nam. Cô viết: “khó có thể tưởng tượng được cuộc sống ở Việt Nam thiếu bánh mì”. Qua lời văn của Giáng Uyên, có vô cùng đa dạng hương vị và phong cách bánh mì Việt được nhắc đến: ổ bánh mì phết pate beo béo, bơ thơm ngậy, bánh mì với nhân chả lụa thái sợi và ba chỉ kho xá xíu, bánh mì chà bông mà lần đầu cô còn tưởng là sợi mạng nhện, bánh mì chấm trứng ốp la lòng đào, hay bánh mì chấm sữa Ông Thọ… Vậy mới thấy, chỉ riêng bánh mì thôi, người Việt đã có vô số cách biến tấu đầy ngon miệng.
Chương sách này còn giải thích đôi ba nghĩa và xuất xứ tên gọi các loại bánh mì như baguette, pan gallego, ciabatta…và cách mà người phương Tây ăn bánh mì.
Chương 3: Slovenia, ngon quên đường về
Chương 3 được Giáng Uyên dành để kể về những trải nghiệm ẩm thực địa phương tại Slovania. Món ăn đầu tiên được cô nhắc đến là món bánh Gibanica cho một buổi sáng giữa thung lũng nhẹ tênh, sảng khoái. Hay ta sẽ ấn tượng với món cá nướng gần hồ Bled, món cá mà khi gọi, tác giả đã tưởng rằng sẽ dùng bữa với một lát cá phi lê nhỏ, nhưng không ngờ lại là nguyên một con cá khổng lồ. Ta hãy xem cách mà Giáng Uyên miêu tả món cá nướng đầy cuốn hút này: “Lớp da cá chín vàng giòn, bên trong thịt trắng muốt và chắc nịch, ăn với khoai tây và món rau spinach địa phương luộc trộn muối hột và dầu ô liu đậm đà, kèm rượu vang trắng làm đê mê đầu lưỡi.”
Món ăn mà cô đánh giá “ngon nhất thế giới” chính là pizza của Slovania. Ngoài ra, còn là món bánh kem Bled và xúp “ngon quên đường về” với chiếc bánh thoảng mùi vani, hòa quyện hoàn hảo giữa lớp bột giòn, mỏng và lớp kem dày mềm mịn…
Chương 4: Ăn hàng chợ Helsinki
Giáng Uyên nhắc đến nhà văn Nguyễn Tuân khi nói đến Helsinki, bởi ông từng có đôi dòng viết về cách ăn và món ăn tại một hội nghị ở Helsinki. Cô thừa nhận nhà văn mô tả đẹp và hay đến nỗi người đọc muốn chạy ra quán ăn ngay. Nhưng cô nói, cũng thật tiếc khi nhà văn Nguyễn Tuân chưa có dịp lang thang để thưởng thức các món ăn địa phương ở chợ Helsinki. Đây mới là nơi gom góp hết cái hồn ẩm thực của đất nước xa xôi này.
Ở chương này, độc giả được cùng với Giáng Uyên rảo bộ dọc các gian hàng ở chợ địa phương Helsinki, thưởng thức qua các con chữ cái tươi mới và ngọt ngào của trái cây căng mọng, được hít hà mùi rau củ mới thu hoạch. Và không thể quên ghé chân đến những hàng ăn chế biến tại chỗ trong khu chợ. Nơi mà bạn có thể có một dĩa món cá chiên với các loại cá tươi mới hoặc nguyên con chỉ với 8 euro. Hay tạt vào quầy súp gọi món súp cá hồi đặc sản nóng sốt với khoai tây nấu nhừ ăn kèm với bánh mì tròn nhỏ.
Giáng Uyên cũng có sự liên tưởng ẩm thực Anh, Pháp với ẩm thực Việt Nam qua cách ăn sáng, cách kết hợp thức ăn.
Chương 5: Đi uống cafe
Sau những chương đầu về các món ăn, ở chương 5, tác giả dành để viết về món uống vô cùng nổi tiếng ở khắp nơi trên thế giới: cafe. Giáng Uyên mở đầu chương 5 bằng hương vị cà phê quê nhà với cafe đen pha cùng sữa Ông Thọ.
Sang đến nước Anh, cô được thưởng thức cà phê kiểu Ai-len với cái tên Irish Coffee. Và sở thích uống cafe lại càng được thỏa mãn tại đất Pháp. Người Pháp uống cafe rất “dữ dội”, phổ biến vô cùng. Cô nhận xét, thói quen uống cafe của người Pháp cũng giống người Việt, thích ngồi uống cafe tại quán, thư giãn và tán dóc. Người Pháp uống cafe mỗi ngày, họ yêu thích món cafe un noisette.
Sau Anh và Pháp, cô nói đến việc đi uống cafe tại Ý và Amsterdam ở Hà Lan. Trong trải nghiệm đi uống cafe của mình, cô nhận thấy cafe ở Thụy Điển là đắt đỏ nhất, song sự quyến rũ của mùi bánh ngọt và mùi cafe mới pha thơm lừng khiến cô tự thưởng cho mình khỏi chính sách “thắt lưng buộc bụng”.
Cuối chương 5, tác giả một lần nữa hồi tưởng về cafe phin Việt Nam và những ký ức đẹp cùng cafe ở quê nhà.
Chương 6: Hôm nay có trà kem
Nối tiếp câu chuyện về cafe ở chương 5, Giáng Uyên giới thiệu với độc giả thêm một món thức uống và tráng miệng đặc trưng ở xứ sở Châu Âu- trà kem.
Thực ra, trà kem là cách gọi gộp cho món uống là trà nóng và món bánh kem béo ăn kèm.
Tại hạt Devon miền Tây nước Anh mà tác giả có dịp ghé thăm, người ta có thói quen uống trà chiều, nhâm nhi cùng món bánh Scone ấm nóng phết kem đông dẻo quánh. Nhìn đơn giản vậy thôi, nhưng trà kem là món ăn đầy tinh tế.
Chương 7: Xúc xích nướng, yaourt mật ong và hơn nữa…
Tiếp tục hành trình của những ngày học và sống tại châu Âu, đi qua nhiều đất nước. Giáng Uyên kể cho chúng ta nghe về các món ăn địa phương giản dị nhưng vô cùng ngon miệng.
Như một bữa ăn thịnh soạn với đầy đủ các món ăn. Tác giả kể về món súp hải sản như một món khai vị tươi mới với “tô súp đầy những sớ cá biển Baltic, tôm đỏ au chắc nịch, mực giòn sần sật…”. Xa một chút đến Hi Lạp, món Souvlaki như món ăn chính ấm bụng, no nê và đầy thỏa mãn với thịt heo hoặc gà nướng xiên que, ăn kèm bánh pita và rau ngâm dấm. Tráng miệng với món mà tác giả mô tả rằng cô “chết mê chết mệt”- yaourt mật ong Hi Lạp chua chua, mềm mượt óng ả của mật ong rưới lên ăn cùng.
Chương 8: Ăn Ý
Chương 8 với tựa đề tràn đầy tính thú vị. Như vừa chơi chữ vừa gói gọn ý nghĩa của sự thưởng thức trọn vẹn ẩm thực Ý. Và hiển nhiên, chương 8 được dành riêng để nói về ẩm thực nước Ý.
Mở đầu bằng cafe Ý, tác giả điểm qua và lưu lại ở những cái tên như cafe latte, cafe corretto, cafe freddo… Tiếp đến là hai món ăn quốc hồn quốc túy mà người Ý tự hào với cả thế giới: pizza và pasta. Cuối cùng và không thể không nhắc đến là món kem Gelato trứ danh. Người dân Ý ăn pizza ở đường phố, món mỳ pasta thì mọi nơi trên đất Ý đều ngon tuyệt, kem Gelato thơm, béo ngậy, vị ngọt thanh.
Chương 9: Ầm thực của nắng và gió
Ở chương sách này, lần đầu tiên Ngô Thị Giáng Uyên nhắc đến các món ăn ở một đất nước mới- Bồ Đào Nha. Cô nhận ra tại thành phố Lisbon, thủ đô của Bồ Đào Nha là nơi có nhiều hàng quán ăn vặt hơn bất kỳ nước châu Âu nào mà cô từng đến. Chính vì vậy mà trải nghiệm ẩm thực vừa dễ dàng, lại vừa đa dạng. Các quầy hàng với đủ loại bánh mặn từ cá, tôm, bọc bột vàng thộn, bánh ngọt rắc đường…với giá bình dân. Để ăn no, Lisbon có các phần ăn ngon miệng với giá chỉ 7-8 euros cho rượu vang, bánh mì, súp, một món thịt hoặc cá và một tách cafe. Trải nghiệm tại Lisbon, tác giả nhắc nhiều đến món cá tuyết, bởi nó có mặt trong rất nhiều các bữa ăn và món ăn tại đây.
Chương 10: Mặn mà Smorrebrod
Smorrebrod là một món bánh mặn phết bơ. Bánh được phủ tôm sốt, pate gan, jambon mềm, cá trích xông khói…tùy theo sở thích của khách hàng. Đây là món ăn đặc trưng và mang lại ấn tượng mạnh cho tác giả trong chuyến đi Đan Mạch. Ở Đan Mạch, “đi đâu cũng có smorrebrod”.
Dường như món smorrebrod không bao giờ gây nhàm chán với thực khách, bởi nó có vô vàn các cách kết hợp mùi vị.
Smorrebrod mang lại sự kích thích về cà mùi vị lẫn hình ảnh. Chiếc bánh được mô tả có màu hơi sẫm của lúa mạch nâu, mềm và thơm mùi khói. Phía trên mặt bánh là vô vàn các loại nhân khác nhau. Bánh phủ tôm màu đỏ tươi rói, bánh phủ jambon mềm mại, hồng nhạt, bánh phủ cá chiên vàng rộm…
Chương 11: Thiên đường Berry
Chương 11 như một thời điểm dừng chân sau quá nhiều các món ăn ngon đầy hải sản, cá thịt…để hít hà thật sâu mùi vị tươi ngon của trái berry trong các món tráng miệng.
Berry ngon nhất là khi được hái mới trên cây, ăn kèm với kem hoặc yaourt mát lạnh. Giáng Uyên mô tả: “vị ngọt thanh của mỗi trái mang mỗi sắc thái khác nhau, quyện với yaourt lành lạnh thật hòa hợp.”
Hoặc nếu muốn kết hợp sự tươi mới của berry với một món gì đó ấm nóng, thì phải nhắc đến berry rải trên bánh phô mai mới nướng.
Berry trong chương sách bao gồm rất nhiều loại: rasberry, cranberry, strawberry…mà nhìn chung, chúng đều tươi mọng và ngọt ngon.
Chương 12: Ra ngõ Flanders gặp món ngon
Flanders là vùng đất nằm ở phía Bắc nước Bỉ. Và với tác giả, món ăn nơi này “có khẩu phần lớn như món Đức và chất lượng như món Pháp”.
Khoai tây chiên được cô nhắc đến như một món ăn quốc hồn của xứ sở này. Khoai tây chiên được thấy ở mọi nơi trên đất Bỉ, có thể mua ngay bên vệ đường với sốt ngon tuyệt.
Ngoài món ăn, bia Bỉ cũng là một điểm sáng đáng lưu ý.
Cho đến tráng miệng, Bỉ nổi tiếng về socola và có hàng ngàn chủng loại socola ngon ngây ngất.
Giáng Uyên đã thốt lên: “Đúng là ở xứ Flanders ra ngõ gặp món ngon.”
Chương 13: Từ nữ hoàng xứ Sheba
Mở đầu bằng câu chuyện vui về những cô gái xứ Ethiopia, chương sách kể về một nhà hàng Ethiopia ở phía Bắc London.
Bữa ăn tại nhà hàng được phục vụ với món qwant’a firfir- thịt bò sốt bơ gia vị kiểu Ethiopia. Điều đặc biệt là người bản xứ chỉ ăn bốc bằng tay, đế bánh injera thay cho đĩa. Thật tiện lợi và sảng khoái!.
Bữa ăn còn có rượu mật ong và bia nấu từ cây cọ, chuối. Song Giáng Uyên cho biết cô không thưởng thức được vì phải lái xe.
Chương 14: Chuyện mắm ba khía ở London
Ở London, nơi bán nhiều đồ ăn Việt nhất là Hackney phía Bắc London. Tình cờ, Giáng Uyên mua được hộp mắm ba khía. Cô mua với niềm vui sướng không phải vì giá thành rẻ mà vì đã nghe đồn mắm ngon nhưng chưa thử lần nào. Món ăn miền Tây đặc trưng Việt Nam có thứ mùi thơm đặc trưng nồng nàn, càng ba khía mập mạp đỏ au. Món ăn là sự hòa hợp giữa màu sắc và mùi vị.
Tác giả liên tưởng đến những bài ca dao, dân ca và câu chuyện về nghề làm mắm ba khía. Từ đó, cô nghĩ ngợi về kinh tế Việt Nam với những người nông dân chân chất.
4. Cảm nhận và đánh giá Bánh mì thơm, cà phê đắng
“Bánh mì thơm, cà phê đắng” là cuộc hành trình ẩm thực rất đỗi thú vị và cả thi vị mà tác giả Ngô Thị Giáng Uyên đã mang đến cho người đọc. Khi viết về ẩm thực Châu Âu- một vùng đất xa xôi và không phải là người bản địa, Giáng Uyên chọn cách trở thành người khách phương xa để khám phá. Cô ít khi đi sâu vào lịch sử món ăn hay các biến thể của món ăn mà chỉ tập trung miêu tả và tìm hiểu khái quát chính món ăn mà cô đang được nếm thử, đang được bày ra trước mắt. Chính vì vậy, người đọc không có cái cảm giác đọc sách về ẩm thực của một chuyên gia ẩm thực với nhiều hiểu biết sâu rộng mà cảm nhận được sự gần gũi, chân thật và thú vị trong hành trình ẩm thực của cô gái này.
Viết về ẩm thực Châu Âu, song cái đọng lại cho độc giả bên cạnh những món ăn ngon xứ lạ còn là những thương nhớ về ẩm thực Việt Nam, những món ăn quên nhà. Giáng Uyên khẳng định, cô đi nhiều, ăn uống ở nhiều đất nước, song món ăn ngon nhất trong tâm trí cô vẫn là món ăn Việt Nam, món ăn mẹ nấu. Cô ăn bánh mì phương Tây với pho mát, thịt nguội nhưng vẫn tỏ ra thèm thuồng món bánh mì thịt xíu đo đỏ của Việt Nam, món bánh mì trắng chấm sữa Ông Thọ của ngày thơ ấu.
Viết về thói quen uống cafe và những món cafe mới lạ ở góc trời Âu, Giáng Uyên lại nhớ quay quắt quầy cafe bên hông chợ Bến Thành với những chiếc ghế nhựa thấp tè, người bán “dùng muỗng khuấy đá, cà phê và sữa đặc trong ly lên với một âm thanh rồn rột vui tai”, nhớ “những ngày cấp hai theo mẹ đi chợ uống cà phê sữa đá”…
Xen kẽ những dòng trải nghiệm ẩm thực phương Tây là đôi dòng hồi tưởng và liên tưởng về ẩm thực Việt Nam. Có khá nhiều món ăn phương Tây được Giáng Uyên giới thiệu trong tập sách này có cách chế biến không quá phức tạp, và các món ăn Việt Nam được nhắc đến cũng tràn ngập mùi vị ngon lành. Tôi chắc rằng, có thể đọc dở cuốn sách, bạn sẽ phải chạy ngay ra đầu ngõ, kiếm ổ bánh mì nóng hay đi pha cho mình cốc cafe sữa đá uống cho đỡ thèm rồi mới ngồi đọc tiếp cuốn sách này. Hoặc nếu bạn là một người yêu nấu ăn, tôi tin rằng, các dòng chữ của Giáng Uyên sẽ tạo động lực mới và sự say mê cho bạn để thử nấu những món ăn phương Tây độc đáo này.
“Bánh mì thơm, cà phê đắng” là cuốn sách vô cùng thích hợp cho những ngày rỗi rãi, chậm rãi đọc, hít hà hơi thở khác lạ của ẩm thực xứ người để rồi thương hơn và say đắm hơn ẩm thực của Việt Nam. Review Bánh mì thơm cà phê đắng
Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha |
Tóm tắt & Review Bánh mì thơm, cà phê đắng của tác giả Ngô Thị Giáng Uyên