Những cuốn sách tâm lý hay nhất mà bạn không thể bỏ qua

0
157

Những cuốn sách tâm lý hay nhất mà bạn không thể bỏ qua

Tâm lý học là ngành khoa học nghiên cứu về tâm trí và hành vi, tìm hiểu về các hiện tượng ý thức và vô thức, cũng như cảm xúc và tư duy. Đây là một bộ môn học thuật với quy mô nghiên cứu rất sâu rộng. Các nhà tâm lý học tìm hiểu về những tính chất rõ nét của não bộ và những hiện tượng đa dạng liên kết với những tính chất trên. Ở phương diện y sinh này, tâm lý học gắn bó chặt chẽ và là một phần của khoa học thần kinh. Từ phương diện khoa học xã hội, tâm lý học tìm hiểu về các cá nhân và cộng đồng bằng cách thiết lập những nguyên tắc chung và nghiên cứu những trường hợp đặc trưng (Theo Wikipedia).

Là một bộ môn khoa học chuyên sâu nhưng cũng là một đề tài cực kì hấp dẫn trong văn học. Các tác phẩm nói về tâm lý hay có thể nói đến như Toàn thư tâm lý học, Từ điển tâm lý. Với lối viết đơn giản và dễ hiểu của các tác giả, tâm lý học sẽ không còn là một bộ môn khoa học khô cứng mà thay vào đó bạn sẽ có thể vận dụng những kiến thức tâm lý từ những điều rất thực tế. Hãy cùng khám phá những tác phẩm viết về tâm lý học hay nhất được tổng hợp bởi cungdocsach.vn.

1. Toàn thư tâm lý học – Motofumi Fukahori

Sau khi xem video chia sẻ về cuốn sách này của anh Ngọc Bình Tâm Lý, mình cầm sách trên tay mà háo hức vô cùng. Mình mới tìm hiểu về tâm lý học được một thời gian ngắn nên cuốn sách này thực sự hữu ích với mình. Nội dung của sách đi từ những điều cơ bản nhất như tâm lý học là gì, vai trò của tâm lý học đến các trường phái có tầm ảnh hưởng, các học thuyết tiêu biểu, cho đến những phát hiện chuyên môn mới nhất. Tâm lý học có nhiều phương pháp tìm hiểu hoạt động tinh thần của con người thông qua biểu hiện hành vi: mục đích của suy nghĩ, hành động và biểu lộ cảm xúc; cách chúng ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta; những phương thức để kiểm soát được tâm trí của chính mình. Nghiên cứu tâm lý học sẽ cho bạn lời giải đáp sáng rõ nhất.

Toàn thư tâm lý học, bằng văn phong đơn giản, cùng nhiều minh họa sinh động, cuốn sách cung cấp một cái nhìn tổng quan, súc tích và dễ hiểu về tâm lý học, giúp bạn thấu hiểu được tâm lý của chính mình và những người khác, giải tỏa căng thẳng, cải thiện các mối quan hệ xã hội, đồng thời đảm bảo sức khỏe tinh thần và phát triển chính bản thân mình.

Toàn thư tâm lý học

Xin trích dẫn một phần nhỏ nội dung của sách trong chủ đề “Những điều ta biết được qua giấc mơ” cho mọi người cùng tham khảo:

“Điều gì ẩn sâu trong giấc mơ của bạn?

  • Mơ bay lên trời: Biểu thị nhu cầu giải phóng và hoạt động tự do. Nếu bay lượn vui vẻ trong mơ thì cả thể lực và khí lực đều ở trạng thái thỏa mãn. Ngược lại, nếu sắp rơi thì có lẽ là bạn đang gặp một áp lực nào đó.
  • Mơ bị rơi: Biểu hiện của sự bất an, sợ mất một thứ gì đó quan trọng hoặc sự thất bại. Thường thấy trong trường hợp mối quan hệ với người yêu trục trặc hay công việc gặp rắc rối.
  • Mơ bị đuổi: Trạng thái khi muốn chạy trốn khỏi các quy phạm xã hội, quan hệ với người khác hoặc các khát vọng t*ì*n*h d*ụ*c. Điểm mẫu chốt ở đây là thứ đang đuổi theo mình tượng trưng cho cái gì. Trên thực tế, phía sau giấc mơ này cũng có thể là mong muốn bị bắt lại.
  • Mơ làm t*ì*n*h: Thay vì biểu hiện khát vọng t*ì*n*h d*ụ*c những giấc mơ liên quan đến t*ì*n*h d*ụ*c thường xuất hiện khi bạn ở trong trạng thái tập trung cống hiến cho một điều gì đó hoặc sắp thử sức với một điều mới mẻ.
  • Mơ ăn uống: Biểu hiện những nguyên vọng không được thỏa mãn. Trạng thái khi ta mong muốn một điều gì đó rất mạnh mẽ; ví dụ như về t*ì*n*h d*ụ*c, quyền lực tiền bạc, danh dự. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ta mơ thấy mình đang ăn vì thực sư đói bụng.”

2. Từ điển tâm lý – Tính Cách Và Cảm Xúc Đến Từ Đâu? – Shozo Shibuya

“Tính cách” và “cảm xúc” là những từ ngữ vô cùng quen thuộc nhưng để bóc tách và phân tích từng loại tính cách và cảm xúc thì không phải chuyện dễ dàng. Trong giao tiếp, chúng ta luôn cố gắng phỏng đoán tính cách và cảm xúc của đối phương để điều chỉnh cách ứng xử của mình cho phù hợp. Điều đó làm hao tổn không ít tâm trí, nhưng đọc vị đối phương là một điều không hề dễ dàng, đôi khi phải qua những cuộc đối thoại gượng gạo, nhưng tình huống khó xử hay thậm chí quan hệ đổ vỡ.

Bạn là người thường xuyên phải giao tiếp và đàm phán, việc nắm bắt tâm lý đối phương là điều cực kì quan trọng sẽ giúp bạn có những lợi thế nhất định. Để nâng cao kĩ năng này, “Từ Điển Tâm Lý” chính là cuốn sách “vỡ lòng” về tính cách và cảm xúc, giúp bạn trở nên thấu đáo và khéo léo hơn trong giao tiếp. “Từ điển tâm lý” đưa ra những giải pháp cụ thể hướng dẫn vận dụng kiến thức về “tính cách” và “cảm xúc”, giúp bạn thấu hiểu bản thân và người khác, từ đó xây dựng những mối quan hệ thân thiết. Không chỉ vậy, cuốn sách còn được trình bày rất đẹp, bắt mắt và sinh động vô cùng.

Một số trích dẫn hay trong cuốn sách Từ điển tâm lý:

“Đặc trưng của người thông minh không chỉ nằm ở kiến thức phong phú mà còn nằm ở cách họ vận dụng kiến thức để học hỏi những kiến thức mới, còn những người chỉ phô trương kiến thức hiện tại thì không phải là người thông minh. Người thực sự thông minh luôn thấy hứng thú khi bắt gặp những kiến thức mình chưa biết, và trước tiên luôn lắng nghe những ý kiến khác với mình. Đừng lên mặt và coi những người không có kiến thức là kẻ ngốc, cũng dừng khoe khoang kiến thức và chỉ chú tâm đến lợi ích của bản thân. Ngay cả khi đối mặt với những định kiến và sai lầm, hãy cố gắng đánh giá xem có thể xử lý bằng lý trí hay không. Đừng quên thái độ học hỏi và khiêm nhường. Người thông minh không chỉ hiểu biết rộng mà còn có thể vận dụng được kiến thức. Tuy nhiên, không thể nói việc khoe khoang kiến thức vốn có của bản thân là một biểu hiện của sự thông minh.”

“Chức năng sinh lý học của nước mắt là vận chuyển dinh dưỡng đến nhân cầu và giúp ta chớp mắt một cách trơn tru để bảo vệ mắt khỏi vi sinh vật và tia tử ngoại. Tuy nhiên, nước mắt còn tuồn ra do căng thẳng tâm lý, giúp loại bỏ chất thải tích tụ trong cơ thể ra bên ngoài. Hơn nữa, việc khóc sẽ gia tăng chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ giúp trấn tĩnh và giải tỏa căng thẳng tâm lý. Dù là với cảm xúc nào, việc khóc chắc chắn sẽ giúp giải tỏa căng thẳng tinh thần. Cũng có giả thuyết cho rằng tuổi thọ của nam giới ngắn hơn nữ giới là vì từ bé họ đã được dạy rằng việc khóc trước chỗ đông người là điều cấm kỵ, do đó họ sẽ phải chịu căng thẳng tâm lý hơn là phụ nữ. Vậy nên đôi khi khóc một mình cũng tốt.”

3. Ơn Giời Freud Trả Lời (Lời Khuyên Từ Những Nhà Tâm Lý Trị Liệu Hàng Đầu) – Sarah Tomley

Bản gốc tiếng Anh của “Ơn giời, Freud trả lời” là “What Would Freud Do?” được xuất bản lần đầu vào tháng 6 năm 2017 tại London, Anh Quốc. Cuốn sách gồm nhiều vấn đề thường ngày được đưa ra soi chiếu dưới ống kính của phân tâm học và tâm lý học, một cách sòng phẳng thú vị và sinh động. Một số chủ đề thú vị có thể kể đến: Tôi sợ đi máy bay lắm… Tôi phải làm sao đây? Tại sao tôi cứ tình nguyện làm đủ thứ cho người khác thế? Cứ vài phút tôi lại xem điện thoại. Tại sao tôi không thể tập trung chứ? Tại sao tôi luôn gặp phải điều này? Nếu sống ích kỷ hơn thì liệu tôi có vui vẻ hơn hay không?

Điều thú vị là tác giả Sarah Tomley đã sử dụng mô hình hỏi – đáp để xem xét cách ứng dụng thực tiễn các lý thuyết của một số chuyên gia tâm lý học, phân tâm học và trị liệu tâm lý hàng đầu thế giới từ quá khứ tới hiện tại (Sigmund Freud, Carl Jung. Alfred Adler. Erich Fromm.) Bằng cách đó, cuốn sách cung cấp nhiều góc nhìn khác nhau về thế giới tâm lý kỳ lạ của con người, những điểm chung trong năng lực trí tuệ của chúng ta, cũng như sự độc đáo của tâm lý mỗi người. Đây là cuốn cẩm nang chỉ dẫn cách đối mặt với những vấn để từ nhỏ đến lớn trong cuộc sống, với lời khuyên của tất cả các nhà tâm lý trị liệu vĩ đại nhất nằm trong tầm tay bạn.

Xin trích dẫn một chủ đề nhỏ để chia sẻ với mọi người: “Nếu sống ích kỷ hơn thì liệu tôi có vui vẻ hơn hay không?

Câu hỏi này kéo theo một câu hỏi khác về khái niệm “sống ích kỷ”. Nếu bạn cho rằng sự ích kỷ đơn thuần nghĩa là “Tôi sẽ làm điều tôi muốn, và tôi không quan tâm đến bạn”, nhiều người sẽ phải giật mình. Họ có cảm giác người như vậy là thô lỗ, bất cản, “không tử tế”. Thế nhưng cảm giác này đến từ đâu? Tại sao “làm điều tôi muốn” có vẻ như đi cùng với giả định rằng “tôi không quan tâm đến bạn”? Các nhà tâm lý học và các nhà trị liệu tâm lý dường như đồng ý với nhau về nguồn gốc của những quy tắc đó. Trẻ em phải được hòa nhập trong văn hóa, từ đó chúng được hòa hợp và khôn lớn, thay vì bị coi là kỳ quặc hay “lạc quẻ” với rất ít cơ hội phát triển. Trách nhiệm cho sự xã hội hóa này trước hết thuộc về các bậc cha mẹ, những người có ý thức rằng họ phải dạy cho con cái về lẽ thường của xã hội và điều chúng cần làm để sống tốt. Nhà tâm học Dorothy Rowe đã xem xét rất kỹ từ “tốt” trong ngữ cảnh đó. Dường như trẻ em dĩ nhiên là nên học cách trở thành người tốt, nhưng định nghĩa chính xác về điều đó lại phụ thuộc vào người đưa ra các quy tắc. Giả sử một người phụ huynh có đức tin tôn giáo rất mạnh mẽ, hoặc xuất thân từ một gia đình xem khoái lạc là tội lỗi, thì điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các quy tắc mà họ vạch ra cho gia đình? Ngay cả trong những gia đình thoải mái hơn, cũng có thể có những quy tắc cổ súy thói ích kỷ mà vẫn rất kiểu cách, chẳng hạn như “Không bao giờ ăn cái bánh cuối cùng” hoặc “Những người hay đòi hỏi sẽ không được đáp ứng”.”

4. Tắt Nguồn: Bình Tĩnh Sống Dù Đời Náo Động – Angela Lockwood

Angela Lockwood đã từng chia sẻ về lý do quyết định viết cuốn sách này: “Tôi viết cuốn sách này vì một lý do: có quá nhiều những con người tốt bụng đang làm mọi thứ có thể trong cuộc sống, nhưng lại đang bị chính điều đó làm cho choáng ngợp và kiệt sức. Tôi muốn chỉ cho những con người ấy cách để thực hiện mọi thứ họ muốn, chỉ cần họ sống chậm lại. Cách duy nhất để cuốn sách này trở nên hữu ích với bạn là hãy đọc nó một cách thật chậm rãi và thận trọng. Đó không phải là bởi nội dung của sách khó hiểu, mà là để những thông điệp ấy có thể lắng xuống và mang đến những ảnh hưởng tích cực cho cách tư duy và hành động của bạn. Tôi không muốn bạn phải lãng phí thì giờ.”

Và thật sự cuốn sách Tắt nguồn: bình tĩnh sống dù đời náo động đã giúp mình nhiều thứ.

Đọc xong cuốn sách này, mình hiểu là đã đến lúc chúng ta cần bắt tay vào việc sắp xếp lại mọi thứ, để biết đâu là điều cần thiết nhất với mình, đâu là điều không cần thiết và có thể loại bỏ nó, để không bị ôm đồm và nặng nề. Nội dung của cuốn sách sẽ giúp bạn từng bước xác định và thực hiện các điều trên. Hơn 250 ý tưởng có thể giúp bạn “sống chậm” sẽ được tác giả đề cập và việc của bạn là lựa chọn những ý tưởng phù hợp với mình. Cuốn sách còn có những bài test giúp bạn hiểu rõ hơn về thể trạng và tâm lý của bản thân, hơn nữa nội dung không chỉ đi sâu về phân tích mà đan xen những câu chuyện, những nghiên cứu, suy ngẫm, cùng những thông tin và hoạt động theo cách mà tác giả hy vọng sẽ khuyến khích bạn áp dụng trực tiếp những chiến lược mình đã học được vào cuộc sống.

Trong một thế giới đầy hối hả, hãy vững tin rằng bạn không phải chạy nhanh hơn để bắt kịp mọi thứ. Để vươn xa, bạn phải nắm chắc cơ hội trước mắt, giữ tập trung vào những gì hiện hữu ngay trước mắt, và dành thời gian để nhìn ngắm xung quanh, vì vũ trụ sẽ luôn cho bạn những gì bạn cần, chỉ cần bạn sống đủ chậm để có thể chú ý tới những điều ấy.

Một số trích dẫn hay trong sách:

Để đạt được nhiều thành quả hơn, chúng ta không nhất thiết phải ép mình làm việc nhiều hơn, trên thực tế, chúng ta có thể gặt hái được nhiều hơn bằng cách làm ít đi.

“Không việc gì phải vội” được viết hơn 15 năm về trước. Lúc ấy, lối tư duy này dường như chỉ nhận được sự tán thành từ dân hippie sống trên núi, hiếm khi va chạm với “thế giới thực” bên ngoài. Thời thế đã thay đổi nhiều quá! Mới có mười năm mà cuộc cách mạng từ tổn dường như đã tìm được chỗ đúng trong tư tưởng của những con người mà ta ít ngờ đến nhất. Các giám đốc điều hành đang tìm kiếm cách thức để tích hợp lối sống chậm vào guồng quay cuộc sống hối hả, đòi hỏi khắt khe của họ, và như bản tin về trại huấn luyện ở Hàn Quốc đã đề cập, các bậc phụ huynh cũng đang hướng con mình tới cuộc cách mạng từ tổn. Chúng ta muốn có mọi thứ – trong tuần phải nhận được lương thưởng cỡ bự, ăn nên làm ra, rồi thì có thanh danh, uy tín, còn cuối tuần thì phải đi chèo ván đứng nhâm nhi ly cà phê latte và huấn luyện đội bóng đá. Tuy nhiên, để có mọi thứ, chúng là cần tạo ra được những thay đổi trong cách sống của mình. Hồi năm 1948, trong cuốn sách bán chạy “Quẳng gánh lo đi và vui sống” (Hou to Stop Worrying and Start Living), Dale Carnegie đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một cuộc sống không âu lo, không phải chịu sự hối thúc của thời gian hay bất kỳ áp lực nào khác. Thông điệp mà ông truyền tải rõ rằng vẫn còn nguyên giá trị, và cuốn sách vẫn đang là tựa sách kỹ năng kinh doanh được đề xuất nhiều nhất gần 70 năm sau. Nếu chúng ta đã tỏ tường mọi sự từ rất lâu, đã được những tiếng nói đáng tin như vậy khuyên răn rằng, việc sống trong trạng thái “bật” liên tục đang ảnh hưởng tiêu cục tới cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của mình, thì hà cớ gì mà ta vẫn chưa lưu tâm? Một phần câu trả lời nằm ở bối cảnh thế giới đang thay đổi một cách chóng mặt. Những thay đổi dẫn tới sự gia tăng dân số, sự phát triển về viễn thông và công nghệ trong suốt hàng trăm năm qua thật đáng kinh ngạc.”

5. Tâm lý học nói gì về nỗi đau – Richard Gross

Tâm lý học nói gì về nỗi đau?” là một cuốn sách nhân văn phân tích những phản ứng đa dạng của chúng ta khi mất đi một người thân yêu, cũng như đi sâu tìm hiểu cách các nhà tâm lý học giải thích về trải nghiệm này. Cuốn sách cũng khảo nghiệm các tập quán văn hóa – xã hội vốn đang định khung hoặc hạn chế hiểu biết về quá trình đau buồn, từ bộ môn phân tâm học tiên phong của Sigmund Freud cho tới quan niệm đã bị phủ nhận về các “giai đoạn” của nỗi đau.

Tâm lý học nói gì về nỗi đau là một cuốn sách hay nhưng theo mình thì nó lại rất giới hạn người đọc. Đối những bạn có nhu cầu tìm hiểu sâu rộng về tâm lý học cụ thể là nỗi đau thì cuốn sách này là một sự lựa chọn. Tuy nhiên đối với những bạn mới tìm hiểu về tâm lý học, thích sách self-help, phát triển bản thân thì mình nghĩ bạn nên tham khảo hai cuốn “Từ điển tâm lý” và “Toàn thư tâm lý học” trước. Vì cuốn sách tập trung phân tích rất sâu vào chủ đề chính là nỗi đau và đòi hỏi phải có chuyên môn về tâm lý học mới có thể cảm nhận được nội dung hay đơn giản hơn là hiểu sách viết gì. Cuốn sách có bìa rất đẹp, tựa thu hút độc giả nhưng cách trình bày khá nhạt nhòa.

Trích dẫn một chủ đề hay trong sách:

“Làm sao chúng ta biết được các kiến thức về nỗi đau.

Chia sẻ riêng của từng cá nhân:

  • Những câu chuyện riêng của người chịu tang là nguồn thông tin chủ yếu về bản chất của nỗi đau. Rất nhiều câu chuyện như thể đã được những nhà văn nổi tiếng như C.S. Lewis, Dannia Abse và Julian Barnes viết lại; ngoài ra còn có những cây bút lần đầu sáng tác, với mục đích miêu tả lại nỗi đau vừa để chấp nhận mất mát, vừa để vinh danh người đã mất. Những câu chuyện ấy cho ta thấy cụ thể trải nghiệm đau buồn. Nhiều người cho rằng chuyện kể trực tiếp như thể có thể nắm bắt bản chất của nỗi đau một cách chính xác hơn tất cả những phương thức khác.

Nghiên cứu lâm sàng:

  • Cuốn sách “Đau buồn và U uất” của Freud trình bày một lời lý giải ít tính cá nhân hơn, nhưng cũng chứa đựng thiên kiến lý thuyết, cụ thể là lý thuyết phân tâm học. Dù tư tưởng của Freud vẫn quan trọng theo cách riêng, nhưng chính ảnh hưởng của ông tới các nhà lý luận và các nhà nghiên cứu sau này (trong đó có Bowlby và Parkes) mới khiến ông trở thành một cây đại thụ trong nghiên cứu lâm sàng về nỗi đau (nghĩa là cách điều trị dành cho người chịu tang có đau thương quá phức tạp, từ đó cho ta thấy bản chất của nỗi đau phức tạp và nỗi đau thông thường).

Nghiên cứu thực nghiệm:

  • Phần lớn những điều chúng ta hiểu về nỗi đau đều tới từ các nghiên cứu trên một số lượng lớn những đối tượng mất người thân (khác với các ca riêng lẻ trong chuyện kể cá nhân và nghiên cứu lâm sàng). Các nghiên cứu thực nghiệm (có tính khoa học và thực chứng) này được tiến hành bởi các nhà tâm thần học như Parkes, nhằm hiểu được các hoàn cảnh khiến việc mất người thân có thể dẫn tới các rối loạn tâm thần và nhằm lập ra các chương trình điều trị và phòng ngừa. Bốn nghiên cứu có ảnh hưởng nhất là Bethlem, London, Harvard và Love & Loss. Nghiên cứu Bethlem khảo sát phản ứng trong 21 người (cả nam và nữ) từng được hỗ trợ tâm lý trong 72 tuần sau cái chết của người thân. Địa điểm tổ chức phỏng vẫn là các bệnh viện Hoàng gia Bethlem và Maudsley ở London. Nghiên cứu London có mục đích là tìm hiểu những cách mà một nhóm phụ nữ góa chồng ở độ tuổi dưới 65 tuổi sẽ đối mặt với năm đầu tiên chịu tang (nghĩa là khi ấy họ không nhờ tới giúp đỡ tâm thần học). Các buổi phỏng vẫn được sắp xếp vào cuối các tháng thứ nhất, thứ ba, thứ sáu và thứ mười ba (tạo điều kiện cho thấy “phản ứng sau ngày giỗ đầu”).”

Tổng hợp những cuốn sách tâm lý hay nhất mà bạn không thể bỏ qua

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 2 Average: 5]
Cảm nghĩ của bạn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây