Những cuốn sách hay nhất của tác giả Tuệ Nghi
Tuệ Nghi tên thật là Phan Thanh Bảo Ngọc, sinh năm 1993, là gương mặt trẻ thành công trong kinh doanh. Cô khởi nghiệp ở tuổi 15, sáng lập công ty riêng ở tuổi 18 và nhận biểu tượng top 10 Ngôi sao Kinh doanh châu Á – Thái Bình Dương ở tuổi 20. Tuệ Nghi từng được báo chí nước ngoài để mắt vì thành công ở tuổi đời còn trẻ. Hiện Tuệ Nghi quản lý 3 công ty trên nhiều lĩnh vực. Cô từng nhận nhiều giải thưởng như: Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh 2013; Doanh nhân Tiên Phong… Không chỉ là một doanh nhân trẻ xuất sắc, Tuệ Nghi là một tác giả trẻ với nhiều tác phẩm gây sự chú ý và nhiều cảm hứng cho giới trẻ. Với cô niềm vui và cảm hứng viết lách của mình là vì bản thân may mắn được làm việc trong một môi trường năng động, nhiều trải nghiệm nên không khó để có cảm hứng viết.Tuệ Nghi chia sẻ rằng trong công việc thì mình là một người rất kỷ luật nhưng trong viết lách thì nhà văn trẻ này lại là người khá tuỳ hứng và dường như không phân bổ thời gian cho việc viết sách. Cô là tác giả của nhiều cuốn sách hay như: Cứ bình tĩnh, Sẽ có cách đừng lo, …
Mục lục
1. Cứ bình tĩnh
“Cứ bình tĩnh” được xuất bản vào tháng 10 năm 2016 bởi NXB Hà Nội. Cuốn sách đã từng đạt Top 100 sản phẩm Truyện ngắn – Tản Văn bán chạy của tháng, sau 5 ngày phát hành cuốn sách này ngay lập tức được tái bản thêm 20.000 bản. Cuốn sách gồm những bàn luận, kinh nghiệm, chia sẻ và cảm xúc của tác giả về các vấn đề đời thường nên rất thực tế vì vậy bạn có thể dễ dàng bắt gặp chính mình trong chính những câu từ của tác giả. Nội dung sách có đôi chỗ khá buồn, nhưng không mang hàm ý tiêu cực ngược lại qua đó tác giả mong muốn mọi người hiểu rằng cuộc sống vẫn luôn có những chuyện đáng buồn như thế, nhưng khi con người chấp nhận buông bỏ và chấp nhận mình là một kẻ thua cuộc thì còn đáng buồn hơn. Tác phẩm được chia làm hai phần với rất nhiều chủ đề khác nhau, dưới đây là những nội dung tiêu biểu và bản thân mình cho là thú vị, đáng trải nghiệm.
Làm sao để vượt qua những nỗi buồn?
Người ta thường bảo con người khi sinh ra chào đời bằng tiếng khóc đã chứng tỏ trong cuộc sống này ai ai cũng có những lúc buồn, những lúc rơi nước mắt. Tuy nhiên chúng ta khác nhau ở chỗ là khi buồn sẽ chọn cách giữ im lặng hay thể hiện ra. Vậy trong hai cách trên thì cách nào là vẹn toàn và hiệu quả hơn? Nếu bạn cũng đang thắc mắc về câu trả lời thì hãy cùng mình trải nghiệm những chia sẻ của tác giả!
Theo Tuệ Nghi: “Sinh ra làm con người, khi bắt đầu biết ý thức được dòng chảy của cuộc sống cũng là lúc chúng ta phải học cách đối diện với niềm vui lẫn nỗi buồn. Nếu cuộc sống chỉ toàn ngày buồn chồng chất, thì đấy là bất hạnh. Nhưng nếu cuộc đời vui quá lại mất hay, bởi đó là sự tẻ nhạt đến vô vị. Sẽ có những điều làm ta buồn tưởng chừng như khó vượt qua, có thể là nỗi buồn âm ỉ buốt hết lồng ngực,cũng có thể là nỗi buồn cuồn cuộn sôi trào, tức tối muốn nổ tung. Không sao cả. Đó là cảm xúc thông thường mà ai cũng phải trải qua, cho đến lúc nằm xuống, con người ta mới ngừng phải đối diện với những điều như vậy. Muốn uống rượu thật say thì cứ uống, muốn chửi thề cho thỏa thì cứ chửi, muốn khóc muốn cười thì cứ làm. Đôi khi để bản thân mình đi lệch ra khỏi khuôn khổ thường ngày cũng là điều hay, một trải nghiệm không tệ, chỉ cần không đánh mất chính mình và đừng lạc lối quá lâu trong đó là được. Vì đường đời quá dài mà sức người thì có hạn, ai cũng cần được dừng chân nghỉ ngơi để bước tiếp.”
Những thứ phụ nữ không nên làm cho người đàn ông của mình
Trong chủ đề này tác giả chia sẻ năm điều mà phụ nữ không nên làm cho người đàn ông của mình.
Thứ nhất đó là vấn đề con cái. Tác giả cho rằng một lễ cưới hay tờ giấy kết hôn cũng không thể giữ chân được người muốn ra đi. Khi yêu, họ băng rừng vượt suối. Không yêu, một chiếc gối họ cũng không muốn trèo qua. Còn nếu đã cưới nhau rồi và đứa con chính là kết quả cho cuộc hôn nhân thêm viên mãn, những lúc cơm không lành canh không ngọt, phụ nữ cũng tuyệt đối đừng bao giờ dùng con để “đấu” với ba của nó. Trẻ con là để yêu thương, không phải là vũ khí người lớn dùng để so kè thắng thua.
Điều thứ hai là hy sinh, quan điểm của tác giả: “Phụ nữ thường hy sinh cho người đàn ông họ yêu, nhất là phụ nữ ở Việt Nam, nơi mà sự hy sinh vô điều kiện của người phụ nữ được mặc định như một đặc tính riêng giúp họ khẳng định được sự khác biệt của mình với phụ nữ thế giới. Nhưng chính vì hy sinh vô điều kiện nên nhiều người phụ nữ đã mù quáng cho rằng tôi hy sinh cho anh thì anh cũng phải đáp lễ cho tôi … Tuy nhiên, chân lý vốn là thứ có thể xoay chuyển theo thời gian, dần dà chúng ta nhận ra xung quanh mình đều là những “gái có công, mà chồng vẫn phụ” thì các mẹ cần sáng suốt và tỉnh táo nhận ra một điều rằng, chúng ta hy sinh cho chồng con vì chúng ta thật sự muốn như vậy và xem đó là thiên chức của người phụ nữ.” Các vấn đề tiếp theo mà tác giả đề cập đến lần lượt là: Tình dục/trao thân, Cố gắng thay đổi bản chất của người đàn ông, Thử thách lòng kiên nhẫn.
Đừng sợ ma quỷ, vì con người mới là thứ đáng sợ nhất
Thỉnh thoảng tôi lại thấy mọi người mở topic: Trên đời, bạn sợ nhất điều gì? Dưới phần bình luận mọi người đưa ra nhiều quan điểm khác nhau, trong đó tôi để ý không ít quan điểm cho rằng đó là lòng người và tác giả Tuệ Nghi cũng có quan điểm như thế. Nữ nhà văn cho rằng: “Hồi bé rất sợ ma quỷ, những câu chuyện như vậy luôn là một nỗi hiếu kỳ lẫn ám ảnh một thời của bất kỳ đứa trẻ nào. Nhưng lớn lên rồi mới biết được rằng, ma quỷ thật ra vẫn không đáng sợ bằng con người. Ông bà vẫn thường bảo rằng, ở thế giới vô hình đó, mình kính họ thì họ cũng không đụng đến mình, không có tà tâm thì cớ gì phải sợ sệt? Ở thế giới con người thì khác, mình không động vào họ cũng chưa chắc đã yên. Hóa ra ma quỷ chưa chắc đã đáng sợ bằng con người.”
Lời kết
“Cứ bình tĩnh” là một tác phẩm hay và đáng trải nghiệm. Cuốn sách đã truyền cho mình năng lượng sự tích cực trong lối sống dịu nhẹ, an yên trong cuộc đời và vững vàng trước những cám dỗ lẫn biến cố. Với văn phong mộc mạc nhưng dễ hiểu và chân thành, với những lời chia sẻ đầy tâm huyết về các quan điểm rất nhân văn, vấn đề nóng, cuốn sách như một cơn gió mát trong cuộc sống xô bồ của xã hội hiện nay. Vì vậy nó phù hợp với mọi người đặc biệt là giới trẻ, những cô gái tuổi 18/20.
2. Sẽ có cách đừng lo
Tác phẩm “Sẽ có cách đừng lo” được phát hành vào tháng 12 năm 2015 bởi NXB Văn Học. Cuốn tản văn với lối viết gần gũi, những tự sự, trăn trở về tình yêu, chuyện đời – chuyện người, nó như một người bạn động viên tác giả cũng như đem lại niềm tha thiết yêu cuộc sống cho độc giả, thể hiện năng lượng sống tích cực khi đứng trước những điều tưởng chừng như rất khó vượt qua.Cuốn sách “Sẽ có cách, đừng lo” được chia làm hai phần với rất nhiều chủ đề khác nhau nên mình xin phép mỗi phần chỉ tóm tắt một vài chủ đề mà bản thân mình cho là đáng trải nghiệm.
Phần 1: Sẽ Có Cách
Phụ nữ thì cần gì?
Trong chủ đề này tác giả chỉ ra những thứ mà phụ nữ nên có để có thể được tôn trọng hơn. Theo tác giả Tuệ Nghi những thứ phụ nữ nên có bao gồm:
“Khí chất: Xấu cũng được, đẹp thì tốt. Nhưng thứ quan trọng của một người phụ nữ không phải là xấu hay đẹp mà là khí chất. Đừng nghĩ khí chất là khi cố bôi trát hàng hiệu từ đầu đến chân. Khí chất của một người phụ nữ nằm ở cách đối nhân xử thế, cách sống với đời, với người.
Cá tính: Không phải chuyện gì cũng nhảy vào nâng quan điểm, phán xét với từ ngữ ngoa ngoắt thì gọi là cá tính. Cá tính thật sự nó nằm ngấm ngầm rất khó nhận ra. Người phụ nữ có cá tính riêng thường ít nói lời ngoa ngoắt với thiên hạ, họ lắng nghe nhiều hơn và chỉ nói vừa đủ. Sân si và cá tính là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau mà nhiều người hay bị nhầm lẫn.
Độc lập: Tự mình kiếm thật nhiều tiền, bằng cách chính đáng. Thời buổi kinh tế khó khăn, trầy vi tróc vẩy kiếm được đồng tiền để nuôi sống bản thân không phải dễ dàng gì. Nhưng phải cố gắng lên! Kiếm nhiều thì tiêu nhiều, kiếm ít thì tiêu ít. Miễn không phải ngửa tay xin xỏ bất kỳ người đàn ông nào là được. Thích gì thì tự kiếm tiền mà mua, đừng tiểu xảo bòn mót từ đàn ông rồi yêu cầu đàn ông phải tôn trọng mình, không có đâu. Độc lập là thứ mà đàn bà luôn phải ghi nhớ và thực hiện để có thể ngẩng cao đầu mà bước.
Đàn ông: Đừng chăm chăm tìm kiếm người đàn ông mà “thiên hạ” hay gọi là “soái ca”. Con nhà giàu, học giỏi lại đẹp trai cũng không quan trọng rằng người đàn ông đó có yêu mình thật hay không, có sẵn sàng dang tay ra bảo vệ mình dù trời đất sập xuống hay không. Đừng yêu một người đàn ông chỉ biết chổng mông gào lên ba tiếng: “Anh yêu em!”. Đừng bao giờ nghe đàn ông nói mà hãy nhìn cho rõ những gì họ làm.
Yêu bản thân mình: Đừng phó thác đời mình cho người đàn ông nào cả. Đừng bắt ai phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình. Đừng đòi hỏi ai phải yêu mình hết lòng khi chính mình còn chưa biết tự yêu bản thân.”
Những kẻ ghét bạn
Trong chủ đề này tác giả đề cập đến một vấn đề rất rất phổ biến hiện nay: việc bị người khác nhìn ngó vào và phán xét. Đây là vấn đề phổ biến bởi dù bạn là ai, ở đâu, làm công việc gì, có nổi tiếng hay là người bình thường thì cũng sẽ đều ít nhất hơn một lần bị một người khác phán xét. Khi đối mặt với tình huống này bạn xử lý ra sao và bạn cho rằng cách xử lý ấy đã phù hợp chưa? Hãy cùng trải nghiệm những chia sẻ của tác giả Tuệ Nghi nhé vì mình nghĩ rằng sau khi đọc xong bạn có thể tự mình trả lời hai thắc mắc trên. Tác giả chia sẻ rằng: “Nếu tôi nói rằng bạn hãy phớt lờ họ đi thì quả thật điều đó không hề dễ dàng … nhưng đáp trả bằng lời nói sẽ là sự đáp trả trong mệt mỏi và không có hồi kết. Câu trả lời bằng hành động và thành quả, mới là câu trả lời hoàn hảo và thuyết phục nhất … Có người quý thì tất phải có người ghét, đó là quy luật cân bằng. Và những người ghét chúng ta, ở một khía cạnh tích cực nào đó thì họ đã giúp chúng ta trở nên ngày càng hoàn thiện hơn, thận trọng hơn. Người khác có biết bạn đang làm gì hay không, không quan trọng bằng việc bạn có biết mình đang làm gì hay không? Nếu bạn biết, thì tốt rồi. Làm đi! Và hãy mặc kệ những con người như thế bởi vì việc của bạn là tiến về phía trước, hạnh phúc, thành công. Còn việc của họ là đứng ở phía sau bạn để nhìn thấy điều đó.“
Phần 2: Đừng lo!
Dũng cảm là biết từ bỏ
Ai trong chúng ta đã từng không dám thừa nhận những sai lầm của mình, sợ người khác sẽ cười chê, phán xét mình hay nói khác hơn là đã cố chấp với bản thân, cố chấp với những lựa chọn mà chính mình đã từng có lúc cho là không thể đúng hơn được nữa? Có lẽ là đa số mọi người nhưng không phải ai cũng nhận ra rằng nếu không dũng cảm thừa nhận và đối mặt với những điều chưa đúng ở thời điểm này, thì có lẽ sẽ mãi ở trong vòng xoáy không lối ra, sau này cũng không còn cơ hội để sửa chữa.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này tác giả Tuệ Nghi trải lòng rằng mình cũng đã từng là một người cố chấp với bản thân nhưng cô đã có thể bước ra khỏi vòng xoáy ấy nhờ sự dũng cảm. Vậy dũng cảm có thực sự là động lực có thể giải quyết vấn đề này?
Để giúp độc giả hiểu rõ hơn tác giả chia sẻ thêm: “Khi con người ta chọn sai một nửa của mình, ai cũng tự dằn vặt bản thân mình rằng họ ngu muội nên mới bị lừa. Tôi không nghĩ như vậy, ở tại thời điểm đó, có lẽ sự lựa chọn kia là thích hợp, là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng lòng người là thứ dễ thay đổi, tình yêu là điều sẽ phôi phai theo thời gian. Càng sớm nhận ra được bất ổn và chấp nhận nó, chúng ta càng có nhiều cơ hội để bước ra và làm lại từ đầu. Sẽ chẳng bao giờ là quá muộn cho một sự thức tỉnh … Yêu thương bản thân không phải là sự ích kỷ, mà đó chính là cách giúp chúng ta cân bằng, sống tốt kể cả khi giông bão có bất ngờ ập đến. Cuộc sống là muôn vàn những chữ Ngờ, chúng ta không học được chữ Ngờ, càng không thể đoán biết trước được nó sẽ đến lúc nào. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể học cách đón nhận nó, một cách tích cực và thanh thản nhất có thể. Khi cơn mưa qua đi, cầu vồng sẽ lại lấp lánh.”
Trải nghiệm hết chủ đề này bản thân mình hiểu ra rằng dũng cảm đối mặt với cái sai, với sự lựa chọn của chính mình sẽ giúp chúng ta trưởng thành càng nhanh và vững chắc nhưng điều mình không hiểu là nó có liên quan gì đến tiêu đề của mục này.
Bơ vơ
Bơ vơ là gì? Với bạn thế nào là bơ vơ? Còn với tác giả Tuệ Nghi đó là: “Giữa Sài Gòn rộng lớn như thế, nhưng không biết đi đâu để cảm thấy an toàn, để cảm thấy được che chở. Giữa biển người mênh mông như thế, nhưng chẳng thể nào tìm được một người để có thể tin tưởng, thả lỏng bản thân khỏi những phòng bị như bất lực giữa đường đời. Giữa những nỗi buồn cứ chạy dài, chạy dài mãi. Đuổi nhau tít tắp bên những cơn bão lòng mà không có lấy một niềm vui lóe lên giữa mênh mông những suy tư trong một buổi chiều đông. Giữa những đêm cô đơn với tiếng tích tắc, khi ta ngủ, thời gian vẫn đuổi bắt nhau. Ta nhận ra mình cô đơn nhưng lại không dám yêu, không dám cho bản thân một cơ hội, vì sợ những nỗi buồn cứ đuổi theo ta mặc cho thời gian trôi vẫn không hề phôi phai. Và giữa muôn vàn lựa chọn, vì sao ta lại chọn nỗi buồn khi mà niềm vui cũng không hề quá khó? Ta nghĩ mãi về những nỗi buồn đã qua, những thứ đã trở thành dĩ vãng từ bao giờ, khi ta chớp mắt thì khoảnh khắc đó đã mãi không thể thay đổi vì nó đã xảy ra. Ngày vui hay buồn thì cũng chỉ đều có hai mươi bốn tiếng. Hãy dùng những giờ phút đó để yêu, để nhớ, để mong và để chờ. Khóc cũng được, cười cũng được, nhưng ít ra ta được sống đúng là bản thân mình. Người có thể dối ta, nhưng ta tuyệt đối không bao giờ tự dối chính mình. Không có điều gì là mãi mãi, kể cả những nỗi buồn cũng thế!”
Lời kết
Cuốn sách “Sẽ có cách đừng lo” là một cuốn sách đáng trải nghiệm. Lật từng trang sách, tôi cảm nhận được tâm trạng của tác giả Tuệ Nghi, những thử thách mà tác giả đã trải qua để có thể thành công được như ngày hôm nay và đôi khi còn bắt gặp chính mình trong những câu chuyện của tác giả. Từng câu chữ của tác phẩm như nhắc nhở mỗi chúng ta rằng dù thử thách có trắc trở đến thế nào hãy cứ bình tĩnh và thật mạnh mẽ để vượt qua. Cuốn sách đặc biệt thích hợp với những người trẻ muốn sống chậm lại và phụ nữ xã hội hiện nay.
Những cuốn sách hay nhất của tác giả Tuệ Nghi